Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy là tội gì?
Theo quy định Điều 256 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS), hành vi chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy là một tội hình sự, có mức phạt tù.
Theo đó, “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” đều thuộc trường hợp phạm tội này.
Cần hiểu rằng, chất ma túy trong điều luật này có nghĩa là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành, căn cứ định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021. Theo đó, không phải mọi trường hợp sử dụng chất ma túy đều phạm tội hình sự, tuy nhiên, việc sử dụng chất ma túy phải được Nhà nước cho phép. Mọi trường hợp sử dụng không được phép đều xem là sử dụng trái phép và sẽ bị xử lý theo quy định.
Người nghiện chứa chấp người khác sử dụng ma túy
Trước đây, theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24-12-2007, Bộ Tư pháp hướng dẫn:
“Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”.
Tuy nhiên quy định này đã được bãi bỏ bởi Thông tư liên tịch số 08/2015.
Mới đây, trong hướng dẫn tại Công văn 02/TANDTC-PC ban hành ngày 02/08/2021, Tòa án tối cao cũng đã xác định Điều 256 không loại trừ trường hợp loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
“Cho nên, đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự (không thuộc trường hợp phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy) thì bị xử lý về tội Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Từ quy định này, chúng ta có thể thấy chủ thể phạm tội có thể là bất kỳ người nào, không phân biệt tuổi tác, chức vụ, không phân biệt người đó có nghiện ma túy hay không. Ngoài ra, quy định này cũng không phân biệt người chứa chấp và người sử dụng có phải người nhà của nhau hay không.
Mức phạt chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy
Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 BLHS, người nào phạm tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy thông thường sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 256 BLHS , nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Đối với người dưới 16 tuổi;
– Đối với 02 người trở lên;
– Tái phạm nguy hiểm.
Trong đó, trường hợp “Phạm tội 02 lần trở lên” được hiểu là đã có từ 02 lần chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy trở lên, mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đồng thời, trong số các lần phạm tội đó, chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp “Đối với 02 người trở lên” có thể hiểu là hành vi chứa chấp việc sử dụng ma túy trong cùng một thời điểm, cùng một lần với từ 02 người trở lên.
Trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” được hiểu là trường hợp:
- Người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 256 BLHS; hoặc
- Người phạm tội tái phạm, chưa được xóa án tích, mà lại thực hiện tiếp hành vi phạm tội tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 256 BLHS.
Do đó, tùy theo trường hợp cụ thể, mức phạt đối với hành vi phạm tội cũng sẽ có khác nhau.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư