Quan hệ hôn nhân trong đơn đơn phương ly hôn
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về đơn phương ly hôn như sau:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Căn cứ theo điều khoản trên, việc làm đơn đơn phương ly hôn sẽ diễn ra trong ba trường hợp sau:
Trường hợp 1: Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình
Theo đó, khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Bên cạnh đó, cha, mẹ, người thân thích trong trường hợp này có thể làm đơn đơn phương ly hôn thay cho người thân của mình trong trường hợp người đó là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác khiến họ không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và có căn cứ cho rằng họ bị bạo lực gia đình đến mức làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ như các trường hợp đã được liệt kê ở trên.
Như vậy, trong đơn đơn phương ly hôn, người soạn thảo đơn đơn phương ly hôn cần phải thể hiện rõ từng chi tiết liên quan đến việc mình bị bạo lực gia đình như thế nào với thời gian cụ thể, đồng thời cung cấp thêm những chứng cứ chứng minh như hồ sơ bệnh án, giám định thương tật,…
Trường hợp 2: Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng
Theo đó, người soạn đơn có thể căn cứ vào Chương III Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quan hệ giữa vợ và chồng để xác định vợ hoặc chồng có vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của mình hay không. Cụ thể có thể chia hành 03 loại hành vi vi phạm như sau:
+ Vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân (ví dụ: vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình, chung sống như vợ chồng với một người khác mặc dù mình đang có gia đình. Tuy đã được người còn lại hoặc bà con thân thích hay cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình);
+ Vi phạm quy định về đại diện giữa vợ, chồng (ví dụ: tự ý đứng ra xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan quyền lợi, nghĩa vụ của cả vợ chồng, gia đình mà không được sự đồng ý của bên kia);
+ Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của vợ chồng (ví dụ: không ghi tên của cả hai vợ chồng đối với tài sản chung pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng mà không có thỏa thuận khác).
Đối với trường hợp 1 và 2, các hành vi này phải dẫn đến hậu quả là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trường hợp 3: Vợ hoặc chồng bị Toà án tuyên bố mất tích
Khi vợ hoặc chồng của mình đã bị Toà án tuyên bố mất tích, người còn lại không muốn tiếp tục quan hệ hôn nhân thì có thể làm đơn đơn phương ly hôn yêu cầu Toà án giải quyết.
Vấn đề con chung trong đơn đơn phương ly hôn
Trong trường hợp vợ, chồng có con chung, trong đơn đơn phương ly hôn cần đề cập đến những vấn đề sau:
- Thông tin của các con chung?
- Có mong muốn nuôi con hay không? Khả năng nuôi con như thế nào? Nếu muốn người còn lại nuôi con thì trình bày lý do tại sao (cân nhắc về môi trường nuôi dưỡng và khả năng tài chính)?
- Yêu cầu việc cấp dưỡng của người còn lại như thế nào? Bản thân có thể cấp dưỡng được bao nhiêu để người còn lại nuôi con?
- Nếu không có con chung cũng cần ghi rõ không có con chung.
Vấn đề tài sản trong đơn đơn phương ly hôn
Tài sản chung sau khi ly hôn về nguyên tắc sẽ chia đôi nhưng Toà án sẽ căn cứ vào một số yếu tố sau đây khi chia tài sản theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Do đó, trong nội dung đơn đơn phương ly hôn cần phải ghi nhận rõ thông tin, mong muốn và đề nghị chia tài sản chung dựa trên các căn cứ tại khoản 2 trên. Nếu không có bất cứ yêu cầu chia tài sản chung thì ghi rõ không có và không yêu cầu Toà án chia tài sản chung.
Vấn đề nợ chung trong đơn đơn phương ly hôn
Trong quá trình hôn nhân, vợ, chồng đều có nợ chung và/hoặc nghĩa vụ chung với bên thứ ba khác thì cần phải nêu rõ thông tin của các khoản nợ chung và/hoặc nghĩa vụ chung này, căn cứ và yêu cầu chia các khoản nợ đó, trách nhiệm của mỗi bên sau ly hôn sẽ như thế nào. Tương tự, nếu không có nợ chung và/hoặc nghĩa vụ chung thì ghi rõ không có.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư