Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Theo thông tin, hiện tại toàn quốc đang thực hiện đổi chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũ sang căn cước công dân mới có gắn chip. Tôi đã chuẩn bị xong thủ tục để thực hiện chuyển đổi, tuy nhiên khá thắc mắc về việc sau khi đổi căn cước công dân có phải đổi số Bảo hiểm xã hội hay không? Hiện tại tôi vẫn đang làm việc tại công ty và có đóng bảo hiểm xã hội đều đặn. Thông tin trên sổ bảo hiểm vẫn là thông tin căn cước hiện tại tôi đang sử dụng.
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Các bước đổi sang thẻ căn cước công dân có gắn chip
>> Thế nào là năng lực hành vi dân sự đầy đủ?
Có cần đổi sổ Bảo hiểm xã hội khi đổi căn cước công dân mới?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Trường hợp nào phải đổi sổ bảo hiểm xã hội?
Sổ bảo hiểm xã hội là tài liệu ghi nhận và xác thực thông tin bảo hiểm xã hội của từng cá nhân. Sổ bảo hiểm xã hội bao gồm trang bìa và tờ rời bao gồm những nội dung được quy định tại Quyết định số 3339/QĐ-BHXH:
- Trang bìa 1: Ghi họ, tên (bằng chữ in hoa) và số sổ của người tham gia BHXH vào ô trống trên bìa sổ BHXH.
- Trang bìa 2: Ghi: Họ, tên (bằng chữ in hoa); giới tính (nam, nữ); ngày, tháng, năm sinh: nguyên quán, nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Riêng người tham gia BHXH bắt buộc thì ghi thêm tiêu thức nơi làm việc (tên cơ quan, đơn vị và địa chỉ) theo mẫu.
- Trang bìa 3: Ghi thay đổi hoặc cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh của người tham gia BHXH theo quy định của pháp luật: Họ tên hoặc ngày tháng năm sinh trước khi điều chỉnh; họ tên hoặc ngày tháng năm sinh điều chỉnh; số, ký hiệu văn bản của các cơ quan có thẩm quyền; Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) ký tên, đóng dấu. Ghi các chế độ BHXH được hưởng
- Nội dung của tờ rời: Ghi thời gian đóng BHXH trong năm cho người tham gia BHXH, bao gồm cả chế độ ốm đau, thai sản đã được hưởng theo mẫu số 02 và 03 kèm theo.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH, các trường hợp được đổi sổ (cấp lại) sổ bảo hiểm xã hội bao gồm:
“2.1. Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng.
2.2. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch.
2.3. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng.”
Như vậy, có thể thấy, thông tin căn cước công dân mới không thuộc trường hợp cần đổi sổ bảo hiểm xã hội.
Thực hiện tờ khai điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội
Cập nhật thay đổi thông tin cho bảo hiểm xã hội
Tuy không cần phải thực hiện thủ tục cấp đổi sổ bảo hiểm xã hội khi thay đổi căn cước công dân; nhưng đây là nội dung là cơ sở quản lý dữ liệu người nộp bảo hiểm vì vậy bạn cần thông báo điều chỉnh thông tin đến cơ quan bảo hiểm xã hội phụ trách. Thủ tục điều chỉnh thông tin cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- Mẫu TK1-TS tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội
- Sổ BHXH
- Căn cước công dân mới đổi làm căn cứ điều chỉnh
Bạn nộp hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa điểm mình đang tham gia để điều chỉnh thông tin số căn cước công dân của bạn trong cơ sở dữ liệu.
Trên đây là các thông tin pháp lý giải đáp cho vấn đề đổi căn cước công dân có phải đổi sổ bảo hiểm xã hội hay không. Trường hợp cần được hỗ trợ chi tiết hơn nữa, bạn có thể trao đổi trực tiếp cùng các luật sư và chuyên viên pháp lý của Phan Law Vietnam thông qua các phương thức dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư