Thực trạng hôn nhân đồng tính ở Việt Nam
Hôn nhân đồng tính – hay còn gọi là hôn nhân giữa những người cùng giới tính, là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng bảo vệ quyền con người ngày càng phát triển. Tại Việt Nam, cộng đồng người đồng tính (LGBT+) ngày càng được nhìn nhận cởi mở hơn so với trước, tuy nhiên việc pháp luật có công nhận và bảo vệ quyền kết hôn của họ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Trong thực tế, nhiều cặp đôi đồng tính ở Việt Nam vẫn tổ chức đám cưới, sống chung như vợ chồng, chia sẻ tài sản, nghĩa vụ tài chính, thậm chí nuôi con chung. Tuy nhiên, họ không thể đăng ký kết hôn theo pháp luật, dẫn đến việc không được pháp luật công nhận và bảo vệ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến hôn nhân như thừa kế, tài sản chung, con cái, trợ cấp xã hội hoặc quyền đưa ra quyết định trong các tình huống y tế khẩn cấp.
Thái độ xã hội về đồng tính và hôn nhân đồng giới ở Việt Nam đang dần thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều chiến dịch truyền thông, tổ chức xã hội dân sự và sự hỗ trợ từ giới trẻ đã góp phần tạo ra một môi trường cởi mở và bao dung hơn. Tuy nhiên, sự kỳ thị và thiếu hiểu biết vẫn tồn tại, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, nơi định kiến về giới và khuôn mẫu truyền thống về gia đình vẫn còn sâu sắc.
Xem thêm: Lý do phản đối hôn nhân đồng giới? Góc nhìn pháp luật
Quy định pháp luật hiện hành về hôn nhân đồng tính ở Việt Nam
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới. Cụ thể, theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định các điều kiện kết hôn bao gồm:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 8 quy định rõ:
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, khác với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, vốn cấm hoàn toàn hôn nhân đồng giới thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có sự tiến bộ khi loại bỏ từ “cấm” và thay bằng việc “không thừa nhận”. Điều này có nghĩa là Nhà nước không can thiệp, không xử phạt các cặp đôi đồng giới sống chung với nhau, nhưng cũng không công nhận đó là mối quan hệ hôn nhân hợp pháp. Do đó, họ không có quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý như các cặp đôi dị tính đã kết hôn.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi cho các cặp đôi đồng giới sống chung như vợ chồng, đặc biệt liên quan đến tài sản, quyền nuôi con, hay xử lý tranh chấp khi quan hệ kết thúc. Do đó, nếu có tài sản chung khi muốn chia sẽ được xử lý theo luật Dân sự 2015.
Việc chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính ở Việt Nam có thể để lại hệ lụy sau:
- Thiệt thòi về quyền lợi pháp lý: Người đồng tính không thể đăng ký kết hôn, dẫn đến không được hưởng các quyền như hưởng bảo hiểm y tế của bạn đời, không được đứng tên đồng sở hữu tài sản chung như các cặp vợ chồng hợp pháp.
- Khó khăn trong việc nuôi con và bảo vệ quyền của trẻ em: Trong trường hợp một người đồng tính nhận con nuôi, người còn lại không có quyền hợp pháp đối với đứa trẻ, dẫn đến rủi ro nếu người cha/mẹ hợp pháp qua đời hoặc có tranh chấp nuôi con.
- Tăng nguy cơ bị kỳ thị và bạo lực: Khi pháp luật không bảo vệ, các mối quan hệ đồng giới dễ bị xã hội kỳ thị, thậm chí xâm phạm danh dự, thân thể, mà không có căn cứ pháp lý cụ thể để bảo vệ.
- …
Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư