An toàn thực phẩm là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong xã hội hiện nay. Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Để tăng cường hiệu quả quản lý và răn đe các hành vi vi phạm, pháp luật đã có những điều chỉnh và bổ sung mới nhất về quy định xử phạt an toàn thực phẩm. Bài viết này sẽ phân tích rõ các quy định và đưa ra những lưu ý quan trọng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng
Vấn đề an toàn thực phẩm trong bối cảnh hiện nay
Thực trạng hiện nay
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong bối cảnh hiện nay là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế. Theo báo cáo từ Cục An toàn thực phẩm, trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến 4.936 người và gây ra 24 ca tử vong. Những con số này không chỉ phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức và quản lý an toàn thực phẩm.
Một trong những vấn đề nổi cộm là việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm. Điều này không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các chợ truyền thống và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Ngoài ra, vấn đề vệ sinh ATTP trong các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn cũng cần được quan tâm hơn. Theo cục an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc do các bếp ăn tập thể, nhà ăn công nghiệp, các nhà hàng diễn ra thường xuyên và số lượng người ngộ độc rất đông.

Nguyên nhân gây ra
- Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ATTP là do sự thiếu ý thức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.
- Ngoài ra, hệ thống quản lý ATTP còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.
- Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về ATTP, đồng thời tăng cường năng lực quản lý và kiểm soát ATTP của các cơ quan chức năng.
Vấn đề an toàn thực phẩm là một vấn đề phức tạp và cần có sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Xem thêm: Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm
Quy định xử phạt an toàn thực phẩm mới nhất
Đối với trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì sẽ dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý vi phạm khác nhau. Đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, phải bồi thường và khắc phục hậu quả nếu gây ra thiệt hại.
Căn cứ theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
(2) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
(3) Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản (1) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Xử phạt hành chính
Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015(sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được chia làm 4 khung hình phạt sau đây:
Khung 1: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
– Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
– Có tổ chức;
– Làm chết người;
– Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
– Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
– Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
– Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Làm chết 02 người;
– Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
– Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
– Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
– Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội có thể chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư