Dư luận báo chí đang xôn xao tranh cải về việc Võ Văn Minh trong vụ “con ruồi” trong chai nước ngọt có phạm tội cưỡng đoạt tài sản hay không; hay đây chỉ là giao kết dân sự giữa Võ Văn Minh và Công ty Tân Hiệp Phát? Congluan.vn xin giới thiệu góc nhìn của ông Nguyễn Thanh Hạo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – và phân tích của luật sư Nguyễn Đức Hoàng, Đoàn luật sư TP.HCM đến bạn đọc để rộng đường dư luận…
Về sự cố “con ruồi” trong chai nước giải khát: Hành vi của Võ Văn Minh có cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản?
Theo quy định tại điều 135 Bộ luật hình sự, mặt khách quan của tội Cưỡng đoạt tài sản được đặc trưng bằng các thủ đoạn uy hiếp tinh thần là: “đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Đe dọa sẽ dùng vũ lực là đe dọa dùng sức mạnh vật chất có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người có trách nhiệm về tài sản. Lời đe dọa này sẽ chỉ được thực hiện trong tương lai mà không phải là ngay tức khắc, tại chỗ như tội cướp tài sản. Người bị đe dọa biết rằng mình có điều kiện để chống cự lại, có thời giờ để báo cáo với nhà chức trách nếu muốn. Tính chất của sự đe dọa ít quyết liệt hơn so với tội cướp tài sản.
Có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác được hiểu là dùng mọi cách đe dọa sẽ gây nguy hại đến lợi ích thiết thân của người có trách nhiệm về tài sản, về các mặt danh dự, tình cảm gia đình… khiến người này vì lo sợ một điều gì không hay sẽ xảy ra cho mình mà phải miễn cưỡng giao tài sản. Thủ đoạn uy hiếp này có thể được thực hiện dưới các hình thức đe dọa tố cáo những việc phạm pháp, những điều xấu thuộc đời tư của người có trách nhiệm về tài sản…; đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản như dọa sẽ đốt nhà riêng của người quản lý tài sản nếu người này không để cho lấy tài sản; đe dọa sẽ gây thiệt hại cho những người thân gần gũi nhất của người có trách nhiệm về tài sản để uy hiếp tinh thần người này như đe dọa sẽ giết hại vợ con người quản lý tài sản nếu người này không để cho lấy tài sản… Các thủ đoạn uy hiếp tinh thần nói trên chỉ có thể được thực hiện một cách công khai và để nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì thế, khi đã thực hiện các thủ đoạn như đe dọa sẽ giết, sẽ đốt nhà, sẽ tố cáo… thì tội phạm coi như đã hoàn thành không kể kẻ phạm tội có chiếm đoạt được tài sản như ý muốn hay không.
Điều đáng lưu ý là do đặc điểm của các thủ đoạn đe dọa nói trên làm cho người bị đe dọa miễn cưỡng phải đưa tài sản cho người khác nên vật thể của tội này không chỉ là tài sản dưới hình thức hiện vật mà còn bao gồm quyền về tài sản.
Đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự nêu trên thì hành vi của Võ Văn Minh nếu đúng như thông tin từ báo chí đã đưa như: Nhiều lần gọi điện thoại cho Công ty Tân Hiệp Phát cho biết Minh đang giữ một chai nước ngọt Number One, bên trong có con ruồi và đề nghị Công ty Tân Hiệp Phát phải đưa Minh số tiền một tỷ đồng (sau đó hạ xuống 500 triệu đồng), nếu Công ty Tân Hiệp Phát không đưa cho Minh số tiền trên thì Minh sẽ đưa tin, phát tán thông tin cho mọi người biết sự việc để tẩy chay Công ty Tân Hiệp Phát. Và khi Minh đang nhận 500 triệu đồng của công ty này thì bị công an bắt giữ cùng tang vật được coi là đã dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của Minh có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 135 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, để có căn cứ chính xác kết luận Võ Văn Minh có phạm tội cưỡng đoạt tài sản hay không, vấn đề quan trọng được đặt ra là phải điều tra xác định được hành vi cố tình đe dọa của Minh có khiến Công ty Tân Hiệp Phát thật sự bị sức ép, bị đe dọa đến mức phải chấp nhận đưa tiền cho Minh hay không? Ngược lại, nếu Minh với đại diện Công ty Tân Hiệp Phát thương lượng, thỏa thuận để bồi thường mà thỏa thuận là tự nguyện giữa hai bên để bảo đảm uy tín của nhà sản xuất thì đó là quan hệ dân sự.
- Nguyễn Thanh Hạo (Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Phát hiện “con ruồi” đòi 500 triệu là giao dịch dân sự?
Xoay quanh vụ án đòi 500 triệu khi phát hiện “con ruồi” trong chai nước ngọt giữa ông Vũ Văn Minh và Công ty Tân Hiệp Phát đang xuất hiện hai quan điểm trái chiều nhau về việc xác định bản chất của vụ việc. Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một giao dịch dân sự trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quan điểm còn lại cho rằng hành vi đòi tiền từ ông Minh là hành vi có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Liên quan đến vấn đề này, để hiểu rõ hơn về vụ việc, cần phải tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến “Giao dịch dân sự” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Giao dịch dân sự là Hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Một giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi các bên tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức của xã hội. Đối chiếu vào các quy định nêu trên, quay trở lại vụ việc con ruồi trong chai nước ngọt giữa ông Minh và Công ty Tân Hiệp Phát. Ngày 03/12, ông Minh phát hiện có “con ruồi” trong chai nước Number One, ngay sau đó, ông đã liên hệ với phía doanh nghiệp để đặt vấn đề “doanh nghiệp phải đưa 1 tỷ đồng” về sự cố này và đe dọa sẽ tung tin ra ngoài gây bất lợi cho uy tín của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không đưa số tiền nêu trên. Sau nhiều lần đe dọa phía doanh nghiệp, với mong muốn nhanh chóng lấy được số tiền yêu cầu, ông Minh đã hạ giá số tiền yêu cầu xuống 500 triệu đồng và bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang bắt ngay sau đó vì có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Cùng phân tích từng vấn đề chi tiết, chúng ta có thể thấy rằng:
Về việc xác định đây là giao dịch dân sự: căn cứ vào tình tiết của vụ việc, “hành vi đặt vấn đề” của ông Minh ngay từ đầu không phải nhằm mục đích đưa ra một giao kết dân sự đơn thuần, mà mục đích sâu xa của hành vi này là số tiền một tỷ đồng để bán “hàng hóa khủng” đó là uy tín của Tân Hiệp Phát. Kế tiếp, xét đến việc tự nguyện khi tham gia giao dịch, rõ ràng ở đây chúng ta thấy Tân Hiệp Phát đang rơi vào một tình thế tự nguyện trong cưỡng bức. Bởi lẽ, trong giai đoạn dịp tết nguyên đán đang gần kề, chưa cần biết đến việc con ruồi trong nước đóng chai là đúng hay sai thì lúc này vấn đề uy tín thương hiệu trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, khi bị ông Minh “đưa vào thế đã rồi” như lúc này, Tân Hiệp Phát buộc phải làm việc với ông Minh để giải quyết vấn đề uy tín thương hiệu. Vì vậy, không thể có sự tự nguyện trong giao dịch này. Yếu tố còn lại đó chính là nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức của xã hội. Việc đe dọa uy tín của một Doanh nghiệp để buộc họ phải trao số tiền 500 triệu đồng liệu có được coi là một nội dung phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội?
Với những lập luận trên, thật khó để khẳng định việc đòi 500 triệu của ông Minh là một giao dịch dân sự. Có lẽ với quan điểm thứ hai cho rằng đây là hành vi có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” thì giàu tính thuyết phục hơn.
Theo quy định tại Điều 135 của Bộ luật hình sự 1999 thì một người bị coi là phạm tội Cưỡng đoạt tài sản khi người đó đe doạ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, hành vi có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi uy hiếp người bị hại về danh dự, uy tín, tài sản nếu họ không thỏa mãn các yêu cầu về tài sản cho người phạm tội. Đây hành vi nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho đối tượng bị đe dọa và xã hội. Do đó, pháp luật không quan tâm đến việc người phạm tội đã thành công trong việc lấy tiền từ đối tượng bị đe dọa hay chưa mà chỉ cần có các hành vi đe dọa nêu trên thì đã bị xem là phạm tội.
Với những cấu thành của tội phạm được nêu trên, có thể thấy hành vi của ông Minh có dấu hiệu của tội phạm này. Để có được số tiền mong muốn, ông Minh đã uy hiếp Công ty Tân Hiệp Phát bằng cách đe dọa sẽ thông tin thất thiệt đến các cơ quan thông tin đại chúng. Đây là dấu hiệu điển hình của tội Cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, để xác định việc ông Minh có phạm tội hay không cần phải có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở hồ sơ cụ thể vụ án và quy định của pháp luật.