Không hiểu Ban lãnh đạo Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân đã ở đâu khi các em hàng ngày được cho ăn cùng với những trận đòn roi, những dọa nạt của người lớn? Cũng không thể hiểu bảo mẫu đặt lương tâm ở đâu khi để hàng chục trẻ nhỏ thiệt thòi phải chịu đựng những bữa ăn trong nước mắt như vậy?
Để quyền lợi trẻ em tại Việt Nam được bảo vệ một cách hiệu quả, cần lắm sự quan tâm của cả xã hội và nhất là việc ban hành, tuyên truyền, phổ biến chính sách, đưa ra cơ chế quản lý, hệ thống chế tài phù hợp. Có như thế mới góp phần không chỉ ngăn ngừa vi phạm quyền trẻ em mà còn xử lý nghiêm khắc và hạn chế mọi hệ lụy có thể xảy ra khi có những vụ việc liên quan đến quyền trẻ em. Ta có những cơ sở pháp lý nào để bảo vệ quyền trẻ em? Việt Nam tham gia Công ước về quyền trẻ em 1989 từ ngày 20/2/1990 và đến năm 2004, tinh thần của Công ước đã được cụ thể hóa bằng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo đó:
Điều 3 Công ước về quyền trẻ em 1989 nêu rõ “Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm dành cho trẻ em sự bảo vệ và chăm sóc cần thiết cho hạnh phúc của các em, có tính đến những quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, người giám hộ hợp pháp hay những cá nhân khác có trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em và nhằm mục đích đó, sẽ tiến hành mọi biện pháp lập pháp và hành pháp thích hợp.”
Hay tại Điều 4 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.
Vụ bạo hành trẻ có HIV: Cái nhìn của luật sư.
Quy định trên cho thấy rằng, tất cả các quốc gia thành viên của Công ước phải đảm bảo mọi trẻ em sinh ra không phân biệt màu da, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, địa vị xã hội… đều phải được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và được hưởng các quyền theo quy định pháp luật như nhau. Đó là các quyền cơ bản như:
- Quyền được khai sinh và có quốc tịch,
- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, Quyền sống chung với cha mẹ,
- Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự,
- Quyền được chăm sóc sức khoẻ,
- Quyền được học tập,
- Quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch,
- Quyền được phát triển năng khiếu,
- Quyền có tài sản,
- Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội.
Không chỉ vậy, nhằm hạn chế việc xâm phạm các quyền trẻ em của các chủ thể khác, Luật cũng quy định về các hành vi bị cấm đối với trẻ em như: Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; Lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi; Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; Xâm hại tình dục trẻ em; Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; Lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; Xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác….
Thực trạng bạo hành trẻ em
Từ câu chuyện đau lòng vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi mới đây: Các em nhỏ có HIV tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TPHCM) bị bảo mẫu đánh đập bằng tay, thậm chí cả bằng dép ngay trong bữa ăn, luật sư Nguyễn Trung Trực – Văn phòng PHAN LAW Vietnam chia sẻ vài quan điểm.
Khác với những đứa trẻ khác, những trẻ có HIV thuộc trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Điều 40 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: “Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật.”.
Với các trẻ em này, Nhà nước cũng luôn muốn tạo các điều kiện chăm sóc phát triển tốt nhất cho các em: “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các quyền của trẻ em; hỗ trợ cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em, thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em để bảo đảm cho mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không còn nơi nương tựa được chăm sóc, nuôi dưỡng.”.
Bên cạnh đó, trẻ em có HIV được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội như tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân thường là những trẻ em mồ côi, vốn đã thiếu thốn tình cảm của gia đình. Một câu hỏi được đặt ra là: Không hiểu Ban lãnh đạo Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân đã ở đâu khi các em hàng ngày được cho ăn cùng với những trận đòn roi, những dọa nạt của người lớn? Cũng không thể hiểu cô bảo mẫu của Trung tâm đặt lương tâm của mình ở đâu khi vừa cho 20 em bé với độ tuổi từ 3-6 tuổi và một số lớn hơn nhưng chậm phát triển phải chịu đựng những bữa ăn trong nước mắt như vậy?
Theo thông tin trên báo chí, bảo mẫu tại Khoa Măng non của Trung tâm này cho các em ăn hay thực ra là ép buộc các em ăn, và mọi hành vi phản ứng của các em đều bị tát vào đầu và má hay đá vào người – Đây chính là hành vi xâm phạm thân thể, đánh dập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em như đã được quy định tại Nghị định 71/2011/NĐ-CP. Vì lẽ đó, bảo mẫu này đã vi phạm một trong những điều cấm của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vậy, người vi phạm như trên sẽ bị xử lý ra sao?
Trước hết, bảo mẫu này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hành viXâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị Định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, với mức phạt từ 5.000.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng cùng với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, bảo mẫu này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh Cố ý gây thương tích với mức hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Thế nhưng, điều mà không mấy người chịu khó “truy cứu” đến nơi đến chốn là: Những trẻ em bị nhiễm HIV, vốn sức khỏe của các em đã không tốt, hệ miễn dịch hầu như rất yếu, liệu các em có thể chịu đựng được bao lâu những đòn roi của các bảo mẫu? Nếu sự thật này không được phơi bày, những tấm thân nhỏ bé với hệ miễn dịch cực – kì – kém này có khi sẽ khóc đến khản cả giọng, lả cả người. Nếu có đứa trẻ nào yếu ớt không chịu được, khi ấy 10 triệu đồng tiền phạt hay vài tháng, vài năm tù có bù đắp được những mất mát mà các em phải chịu đựng?
Cần định rõ “nguyên nhân” để có giải pháp rốt ráo! Với hơn 25 năm tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em cùng với một văn bản Luật về vấn đề này, quyền lợi của trẻ em tại Việt Nam vẫn đang bị xâm phạm nghiêm trọng, việc thi hành các quy định này để đảm bảo quyền của trẻ em theo luật định trên thực tế hầu như là chưa hiệu quả khi hiện trạng trẻ em bị “chăn dắt” đi ăn xin, bán vé số, hành hạ, ngược đãi xảy ra nhan nhản nhưng vẫn không bị xử lý. Thậm chí, người thực hiện các hành vi ngược đãi, “chăn dắt” trẻ em đôi khi còn không ý thức được là mình đang xâm phạm đến các quyền của trẻ em. Nguyên nhân của thực trạng này có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn chưa được thực thi một cách hiệu quả do chưa có được sự quan tâm thích đáng.
Các văn bản hướng dẫn của Luật thưa thớt, chỉ có một văn bản hướng dẫn thi hành mà trước đây là Nghị định 36/2005/NĐ-CP và sau này được thay thế bằng Nghị định 71/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về chính sách còn chưa thực sự hiệu quả để mọi trẻ em và người dân có thể biết và nắm vững được những quy định về quyền của trẻ em.
Thứ hai, chế tài xử phạt đối với việc xâm phạm quyền lợi của trẻ em vẫn còn chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với xâm phạm quyền trẻ em được quy định tại Nghị định Số: 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo đó, mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ và chăm sóc trẻ em chỉ là 50.000.000 đồng. Mức phạt này hoàn toàn chưa hợp lý và đủ đối với những người có hành vi vi phạm.
Bởi đối với trẻ em, sự tổn hại đến các quyền lợi của trẻ có thể dẫn đến tổn thương và khiếm khuyết suốt đời về mặt tinh thần mà không có gì có thể bù đắp được. Nếu đánh vào khía cạnh tài chính với mong muốn những người đang xâm phạm quyền của trẻ buộc phải cân nhắc lại hành vi của mình thì mức 50.000.000 đồng không đủ sức làm được điều này.
Thứ ba, phải thừa nhận cơ chế quản lý của nhà nước để bảo vệ quyền lợi của trẻ em ta hiện nay vẫn còn khá lỏng lẻo.
Điều này thể hiện ở cơ chế quản lý việc thành lập các Trung tâm bảo trợ trẻ em; Cơ chế quản lý hậu cấp phép đối với các Trung tâm này, Về tiêu chuẩn của các bảo mẫu, Cơ chế giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của các Trung tâm này để phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời…
Ngoài ra, đối với một số hành vi tổn hại quyền lợi của trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như hành vi buôn bán trẻ em, đánh đập trẻ em hay lạm dụng trẻ em…
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự xâm phạm quyền lợi trẻ em tại Việt Nam diễn ra có phần “dày đặc”, để có thể phát hiện kịp thời và xử lý thì lại là một “vấn đề” đau đầu các cơ quan chức năng. Và một trong những công cụ hữu hiệu nhất, không thể thiếu, đó là: Sự quan tâm của cả xã hội, của người dân, của các cơ quan truyền thông… nhằm tố giác, giúp cơ quan chức năng phát hiện tội phạm.
Việt Khuê
(lược ghi theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Trung Trực)
Nguồn: Dân trí