Từ ngày 15.02.2016 CSGT được phép trưng dụng tài sản của người tham gia giao thông Từ ngày 15 tháng 02, Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công An chính thức có hiệu lực. Theo đó, thông tư này cho phép cảnh sát giao thông (CSGT) được trưng dụng tài sản của người tham gia giao thông. Tuy nhiên luật còn nhiều bất cập do chỉ mới thêm quyền hạn của CSGT mà chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, hãy cùng Phan Law tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này song song với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
Trưng dụng tài sản là gì?
Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. (Khoản 2, Điều 2, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008)
Cơ sở pháp lý của việc CSGT được quyền trưng dụng tài sản của người tham gia giao thông ?
(Những loại tài sản nào có thể bị CSGT trưng dụng ?)
Được quy định tại: Khoản 6, điều 5, Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công An về Quyền hạn của Cán Bộ Thực Hiện Nhiệm Vụ Tuần Tra, Kiểm Soát Giao Thông Đường Bộ: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”
Trong những trường hợp nào thì CSGT được quyền trưng dụng tài sản?
Thông tư 01/2016/TT-BCA không quy định về các trường hợp mà cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản. Ngoài ra, theo Điều 5, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, quy định về Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản: Việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được và phải thuộc một trong các trường hợp thật cần thiết sau đây:
- Khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
- Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa.
- Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ.
- Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của đất nước.
Như vậy, có thể thấy trưng dụng tài sản chỉ được áp dụng trong các trường hợp rất đặc biệt, mang tầm quốc gia.
Nguyên tắc chung của việc trưng dụng tài sản?
Nguyên tắc chung của việc trưng dụng tài sản theo Điều 4 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008:
- Việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.
- Việc trưng dụng tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản và không phân biệt đối xử.
- Việc trưng dụng tài sản được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và phải tuân theo điều kiện, trình tự, thủ tục của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
- Người có tài sản trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng dụng tài sản của người có thẩm quyền.
- Việc quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng phải đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.
Những người nào có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng tài sản?
Thẩm quyền ra quyết định trưng dụng tài sản ở đây được trao cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ gồm các Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông. (Thông tư 01/2016/TT-BCA) Bên cạnh đó, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 quy định: Thẩm quyền ra quyết định hành chính về việc trưng dụng tài sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Một quy định quan trọng cần phải lưu ý về vấn để thẩm quyền ra quyết định hành chính trưng dụng tài sản là những người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn