Câu chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm tuy không mới nhưng lại chưa bao giờ hết nóng, đặc biệt là vào mỗi dịp tết đến xuân về. Theo báo cáo chính thức của Bộ Y Tế, dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi năm ngoái (2015), cả nước có 1500 người đến khám vì ngộ độc thực phẩm, 5 người tử vong. Việc bị ngộ độc trong ngày tết không chỉ tổn hại to lớn về sức khỏe, tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần. Vậy khi chẳng may bị ngộ độc do mua phải thực phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng nên làm gì trước tiên để bảo vệ quyền lợi của mình ?
Làm gì đầu tiên khi người thân chẳng may bị ngộ độc thực phẩm?
Khi bạn hoặc người thân của bạn bị ngộ độc thực phẩm thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và giữ lại mẫu thực phẩm lưu, thức ăn thừa để gửi cơ quan y tế dự phòng của tỉnh hoặc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (được gọi chung là huyện) xét nghiệm tìm nguyên nhân. Theo đó, chủ cơ sở, thương nhân có loại thức ăn gây ngộ độc sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi sai phạm và phải trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân bị ngộ độc và chi phí tìm ra nguyên nhân ngộ độc cho cơ quan điều tra.
Những thực phẩm dạng nào thì được bồi thường?
Những thực phẩm ở bất cứ dạng nào (có đóng gói, có nhãn hiệu) nếu gây ra ngộ độc cho người dùng thì đều được chủ cơ sở, thương nhân có loại thực phẩm gây ra ngộ độc bồi thường.
Đến đâu để đòi bồi thường do ngộ độc thực phẩm?
Trong trường hợp bị ngộ độc bạn có thể đến trực tiếp nơi bán thực phẩm gây ngộ độc để thỏa thuận đòi bồi thường. Trong trường hợp thỏa thuận thất bại thì bạn có thể khởi kiện chủ cơ sở, kinh doanh đó ra Tòa để đòi bồi thường. Để thỏa thuận bồi thường bạn cần mang theo những chứng cứ chứng minh việc sử dụng sản phẩm gây ngộ độc là nguyên nhân gây ra ngộ độc mà không phải loại thức ăn khác, chi phí dành cho việc điều trị. Ví dụ: hóa đơn mua hàng, kết luận của cơ quan chức năng về việc sản phẩm là nguyên nhân gây ra độc tố, hồ sơ khám bệnh, hóa đơn thanh toán viện phí và các chi phí khác cho việc điều trị,…
Điều kiện để có thể được nhận bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm là gì?
Điều kiện để bạn có thể nhận bồi thường là bạn có đầy đủ những chứng cứ chứng minh việc sử dụng sản phẩm gây ngộ độc là nguyên nhân gây ra ngộ độc mà không phải loại thức ăn khác, chi phí dành cho việc điều trị và yêu cầu hợp lý về chi phí bồi thường thiệt hại.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn