Sáng 09/8/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội thảo quốc gia thường niên về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế lần thứ nhất. Đây là chuỗi sự kiện do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức đồng tổ chức.
Dịp này, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã cùng ký kết hợp tác với Hội Nhiếp ảnh TPHCM và Viện Triết học Phát triển, để cùng nhau triển khai và thực hiện một cách hiệu quả việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam.
BẢN QUYỀN VÀ QUYỀN SAO CHÉP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc, vấn nạn xâm phạm bản quyền và quyền sao chép đã trở thành một thách thức lớn đối với các nhà sáng tạo và chủ sở hữu. Từ âm nhạc, phim ảnh đến sách báo và phần mềm, việc vi phạm bản quyền sách dưới hình thức sách PDF, sách audio (sách nói) diễn ra phức tạp, cấp số nhân, gây thiệt hại lớn không chỉ đối với các nhà xuất bản mà còn đối với các đối tác, đơn vị được nhà xuất bản cấp quyền.
Phân tích về các yếu tố góp phần tăng cao thực trạng vi phạm quyền sao chép ở Việt Nam, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM cho rằng có phần do việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa nhất quán, ý thức của người thụ hưởng tài sản trí tuệ chưa cao. Nhưng nguyên nhân có tính gốc rễ là ý thức tự bảo vệ của chính chủ sở hữu tài sản trí tuệ. “Tự mình không có ý thức bảo vệ mình thì khó có thể có cách bên ngoài để bảo vệ mình”.
Lý giải cho vấn đề này, Luật sư Tuấn nêu ví dụ cụ thể: “Bộ phim Deadpool & Wolverine của Mỹ hiện đang chiếu ở rạp. Theo số liệu thống kê, khi phim khởi chiếu tại VN từ 26.7, chỉ đạt hơn 77 tỷ đồng. Như vậy chỉ thu khoảng 5 tỷ đồng/ngày – là một con số rất thấp đối với phim bom tấn. Và nguyên do dẫn đến kết quả này là bởi trên mạng đã tràn lan bản phim lậu. Tuy nhiên, điều đáng nói là lại không tìm thấy sự chống trả nào “đủ lớn” từ các nhà làm phim so với công đoạn quảng bá. Nếu nhà sản xuất phim không làm mạnh tay trong việc này thì nó sẽ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác sau chiếu rạp”.
THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SAO CHÉP
Bên cạnh đó, luật sư Phan Vũ Tuấn đã đưa ra các con số đáng kinh ngạc liên quan đến tình hình xâm phạm bản quyền trong thời gian qua, cụ thể:
– Đối với truyện tranh: Mới đây Chính phủ Nhật Bản đã phải tăng cường phối hợp với các cơ quan điều tra nước ngoài để ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến đối với phim hoạt hình (anime) và truyện tranh (manga), sau khi các tác giả của loạt truyện tranh nổi tiếng như “One Piece” và “Jujutsu Kaisen” đã phải chịu tổn thất ước tính rất lớn từ các bản sao lậu. Được biết, các bản dịch trái phép được tung lên mạng ước tính tiêu tốn của các nhà xuất bản Nhật Bản tới 5 tỷ USD/năm và làm giảm thu nhập của các họa sĩ truyện tranh sống dựa vào tiền bản quyền.
– Đối với phim ảnh: Theo số liệu của Phan Law Vietnam, từ tháng 01 đến tháng 05 năm nay, đã có 66.433 trường hợp vi phạm quyền đối với phim Việt Nam của K+ trên các nền tảng số, đã xử lý được 46.684 trường hợp.
– Đối với chương trình phát sóng bóng đá: Tháng 8.2022 đến tháng 8.2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền sở hữu để ngăn chặn gần 1.000 website vi phạm. Theo số liệu của Trung tâm đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, có khoảng 100 website vi phạm, một mùa giải 2022 – 2023 có 1,5 tỷ lượt xem.
Theo số liệu của Phan Law Vietnam, riêng mùa giải 2023-2024, K+ đã có 60.541 lượt vi phạm trên nền tảng số. Trong đó:
- Website có 35.029 link vi phạm, với 3.014 website.
- App có 3.331 lượt vi phạm, với 31 app.
- Facebook có 22.181 link vi phạm, với tổng lượt xem là 5.777.575.
Có thể thấy, hành vi xâm phạm quyền sao chép có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, từ tổn thất kinh tế cho tác giả, đến sự suy giảm động lực sáng tạo và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp sáng tạo. Vi phạm bản quyền không chỉ là một hành động pháp lý sai trái mà còn là một hành động đạo đức không thể chấp nhận, gây cản trở sự phát triển của cộng đồng sáng tạo.
Do đó, việc nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến quyền sao chép là điều vô cùng quan trọng để duy trì một môi trường sáng tạo lành mạnh và bền vững. Cũng như, cần phải tuân thủ các quy định về bản quyền không chỉ bảo vệ quyền lợi của tác giả mà còn đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng và phân phối tác phẩm.
Tài liệu về Bản quyền và Quyền sao chép tại Việt Nam
Gửi liên kết tải xuống tới:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư