Kính chào Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề cần được giải đáp như sau: Dạo gần đây, tôi thấy nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 chạy xe phân khối lớn phòng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường phố, gây nguy hiểm cho người đi đường. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi cha mẹ mà giao xe cho người chưa thành niên bị xử lý như thế nào? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Phan Law Vietnam gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi liên quan đến vấn đề về việc giao xe cho người chưa thành niên bị xử lý như thế nào cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Giao xe cho người chưa thành niên bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, hành vi giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, đối với vấn đề giao xe cho người chưa thành niên bị xử lý như thế nào thì tùy vào mức độ của hành vi vi phạm mà người giao xe sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác nhau. Cụ thể bao gồm:
Trách nhiệm hành chính
Theo điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);
Đồng thời, theo điểm h khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
h) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);
Như vậy, trường hợp người giao xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô cho người chưa đủ tuổi tham gia giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức.
Mặt khác, nếu xe được giao cho người chưa thành niên là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thì người giao xe sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.
Trách nhiệm hình sự
Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội giao cho người không đủ điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Theo đó, nếu người nào biết nhưng vẫn giao xe cho người chưa thành niên thì người đó có thể bị phạt tiền tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu người chưa thành niên điều khiển xe gây tai nạn giao thông chết người; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trường hợp người chưa thành niên điều khiển xe gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong những trường hợp định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều này thì người giao xe sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, còn thuộc một trong những trường hợp định khung tăng nặng tại khoản 3 Điều này thì người giao xe sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về vấn đề “Giao xe cho người chưa thành niên bị xử lý như thế nào?” xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư