“Phông bạt” tiền từ thiện là gì?
“Phông bạt” được hiểu theo nghĩa bóng là việc một cá nhân, tổ chức công bố những tin tức không đúng sự thật, “thổi phồng”, “làm lố” thông tin để tạo lớp vỏ hào nhoáng cho bản thân mình. Hành vi này thường được thực hiện trên mạng xã hội, nơi khó xác minh thông tin người dùng.
Thực tế hiện nay cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức đang lợi dụng thiên tai, tình trạng khẩn cấp của đất nước, sự khó khăn của người dân để khoe mẽ, thậm chí là trục lợi từ tiền từ thiện trên mạng xã hội. Những hành vi này không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho nhiều cơ quan, cá nhân, tổ chức mà còn là hành vi trái quy định pháp luật.


“Phông bạt” tiền từ thiện sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tùy vào phương thức và mức độ thực hiện hành vi mà các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi chỉ lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin không đúng sự thật, nhưng không có hành vi trục lợi tiền từ thiện, không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội (như chỉnh sửa hình ảnh hóa đơn chuyển tiền để khoe mẽ, đăng bài về việc chuyển tiền để tâng bốc bản thân,…) thì chỉ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với tổ chức), từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối với cá nhân) và bị buộc gỡ bỏ thông tin không đúng sự thật theo khoản 3 Điều này.
Nếu bên vi phạm còn có hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân khác để phát tán thông tin không đúng sự thật thì còn có thể bị phạt thêm từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với tổ chức), từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối với cá nhân) theo điểm n khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
n) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;


Truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên “phông bạt” tiền từ thiện trên mạng xã hội, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà có thể bị truy tố một hoặc các tội sau:
(1) Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Nếu bên vi phạm lợi dụng thiên tai để, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo điểm c khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu giá trị chiếm đoạt trên 500.000.000 đồng thì người đó có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân theo điểm a khoản 4 Điều này.
(2) Tội tham ô tài sản:
Theo điểm đ khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu người đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền quyên góp cho những vùng bị thiên tai mà mình có trách nhiệm quản lý thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; trường hợp khoản tiền đó người vi phạm không có trách nhiệm quản lý thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm theo điểm e khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
(3) Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân:
Theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào phát tán thông tin không đúng sự thật mà xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Việc “phông bạt” tiền từ thiện là hành vi lừa đảo, xâm phạm đến quyền lợi của người quyên góp. Nếu bạn phát hiện hành vi này, đừng ngần ngại tố cáo với cơ quan công an hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư