Công ty TNHH theo quy định
Công ty “TNHH” là viết tắt của “Công ty Trách nhiệm Hữu hạn”, đây là một loại hình doanh nghiệp phổ biến, đặc biệt trong việc kinh doanh ở Việt Nam. Có hai loại công ty TNHH là: Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).
Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Công ty TNHH 1 thành viên
Theo quy định tại Điều 74 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
Công ty TNHH 1 thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty TNHH 1 thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Lưu ý: Công ty TNHH 1 thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Theo Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
Ngoài ra, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Tuy nhiên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.
Khi thành lập công ty TNHH cần bao nhiêu vốn?
Công ty TNHH 1 thành viên
Cụ thể tại Điều 75 của Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ về việc góp vốn thành lập công ty như sau:
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
– Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.
– Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này.
Như vậy, do luật không có yêu cầu cụ thể về số vốn tối thiểu cần thiết khi thành lập một Công ty TNHH 1 thành viên, cho nên bạn có thể tự quyết định mức vốn khi đăng ký thành lập. Tuy nhiên, bạn vẫn cần có vốn để đảm bảo hoạt động của công ty. Số vốn này thường phải đảm bảo khả năng kinh doanh và thanh toán các nghĩa vụ tài chính của công ty.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Tại Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ về việc góp vốn thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên như sau:
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
– Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
– Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
– Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, người góp vốn trở thành thành viên của công ty kể từ thời điểm đã thanh toán phần vốn góp và những thông tin về người góp vốn quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên. Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
Theo quy định trên có thể thấy trong luật không đặt ra yêu cầu cụ thể về số vốn tối thiểu khi thành lập Công ty TNHH với 2 thành viên trở lên. Quy định chủ yếu tập trung vào việc xác định trách nhiệm của các thành viên đối với công ty dựa trên mức đóng góp vốn của họ.
Do đó, khi công ty bạn có nhiều thành viên, mỗi người sẽ đóng số vốn đã cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty (thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày). Số vốn này có thể được thỏa thuận giữa các bên và phản ánh mức độ cam kết và đóng góp của mỗi thành viên đối với hoạt động kinh doanh của công ty.
Lợi ích khi thành lập Công ty TNHH
Việc thành lập một Công ty TNHH mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và các thành viên sáng lập. Dưới đây là một số lợi ích chính:
- Bảo vệ tài sản cá nhân: Mô hình TNHH giới hạn trách nhiệm, điều này có nghĩa là các thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp của họ. Tài sản cá nhân của họ không bị ảnh hưởng nếu công ty gặp vấn đề tài chính.
- Tính linh hoạt: Công ty TNHH có khả năng linh hoạt trong quản lý và quyết định, đặc biệt là khi có nhiều thành viên. Quyết định được đưa ra dựa trên thỏa thuận giữa các thành viên.
- Uy tín và độ chuyên nghiệp: Một công ty TNHH thường tạo ấn tượng tích cực với đối tác kinh doanh và khách hàng. Nó thường được coi là một hình thức tổ chức chuyên nghiệp và ổn định hơn so với doanh nghiệp cá nhân.
- Dễ dàng chia cổ tức: Khi công ty TNHH có lợi nhuận, thành viên có thể nhận cổ tức dựa trên mức đóng góp vốn của họ.
- Thuận lợi trong quản lý tài chính: Việc quản lý tài chính và kế toán trở nên dễ dàng hơn do có sự phân chia rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên.
- Thuận lợi trong quá trình chuyển giao quyền lực: Trong trường hợp có sự thay đổi thành viên hoặc sự gia nhập mới, quá trình chuyển giao quyền lực và phần vốn có thể được thực hiện một cách linh hoạt.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc thành lập và quản lý một công ty TNHH cũng đòi hỏi tuân thủ các quy định pháp luật và có thể liên quan đến một số chi phí và trách nhiệm.
Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý về thủ tục đăng ký thành lập công ty, Quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp – hỗ trợ nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư