Quy định về ly hôn thuận tình
Ly hôn thuận tình là trường hợp cả hai vợ chồng cùng đồng ý chấm dứt quan hệ hôn nhân và đã thỏa thuận được tất cả các vấn đề liên quan như chia tài sản, quyền nuôi con và cấp dưỡng. Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, Tòa án sẽ công nhận ly hôn thuận tình nếu cả hai bên tự nguyện và thỏa thuận đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con. Cụ thể:
1. “Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp vợ chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc một bên có đơn khởi kiện ly hôn, còn bên kia đồng ý ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản bao gồm cả trường hợp vợ chồng không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản.
4. “Việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như vậy, để Tòa án công nhận ly hôn thuận tình, cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Cả vợ và chồng đều phải tự nguyện yêu cầu ly hôn.
- Hai bên đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, quyền nuôi con và cấp dưỡng con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Lệ phí ly hôn thuận tình
Căn cứ theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, án phí, lệ phí thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình được chia thành có giá ngạch và không có giá ngạch, với vụ việc thuận tình ly hôn thì lệ phí được quy định là 300.000 đồng.
Khi hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn thì mỗi người phải chịu một nửa mức án phí sơ thẩm trừ trường hợp hai người có thỏa thuận khác.
Thủ tục ly hôn thuận tình
Bước 1: Hồ sơ cần chuẩn bị
- Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân của vợ/chồng (bản sao công chứng);
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực nếu có);
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực).
Bước 2: nộp hồ sơ
Chuẩn bị xong hồ sơ thì bạn nộp hồ sơ thuận tình ly hôn tới Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng bạn.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Khi được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí thì bạn đi nộp tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bởi thủ tục ly hôn thuận tình vẫn phải thực hiện theo đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự gồm: Xem xét đơn, nộp tiền lệ phí tạm ứng, Tòa án thông báo thụ lý, chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận ly hôn thuận tình… Nên thời gian Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình thông thường là khoảng từ 2 đến 3 tháng.
Bước 4: Ra Quyết định thuận tình ly hôn hoặc đình chỉ giải quyết đơn ly hôn
Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Nếu hòa giải thành, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn của hai người để vợ chồng về đoàn tụ với nhau. Còn hòa giải không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư