Ly hôn khi có 2 đứa con: tòa giải quyết sao?
Nhiều người cho rằng ly hôn khi có 2 đứa con thì mỗi bên vợ, chồng được quyền nuôi một đứa. Tuy nhiên, cách nghĩ này không chính xác. Quyết định ai là người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được Tòa án thực hiện theo các điều kiện như sau:
- Từ thỏa thuận, thống nhất của vợ, chồng;
- Từ ý chí, nguyện vọng của con;
- Đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con.
Theo đó, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Ngoài ra, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con là gì?
Trong việc giải quyết ly hôn khi có 2 đứa con, nhìn chung, tòa án vẫn sẽ dựa trên quyền lợi về mọi mặt của các con để quyết định ai được trực tiếp nuôi con.
Theo đó, quyền lợi về mọi mặt của con được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau đây:
a) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
b) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
c) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
d) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
đ) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
e) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
g) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
Trường hợp mẹ không được trực tiếp nuôi con
Về cơ bản, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, tuy nhiên, nếu người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì Tòa án vẫn có thể không cho người mẹ trực tiếp nuôi con.
Những trường hợp mẹ không đủ điều kiện được trực tiếp nuôi con gồm:
– Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
– Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
– Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ngoài ra nếu người mẹ rơi vào trường hợp bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, ví dụ người mẹ có lối sống đồi trụy, thì cũng không được phép trực tiếp nuôi con.
Theo đó, nếu người mẹ bị vướng vào các trường hợp trên, trong quá trình giải quyết ly hôn khi có 2 đứa con, Tòa án có khả năng sẽ xem xét giao cả hai đứa con cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, kể cả con dưới 36 tháng tuổi.
Trên đây là bài viết sơ bộ mang tính chất chia sẻ kiến thức pháp luật về việc ly hôn khi có 2 đứa con. Quý Khách hàng có nhu cầu biết thêm chi tiết, vui lòng tìm đến sự hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp từ luật sư và chuyên viên pháp lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình, để giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn một cách hiệu quả.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư