Kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại đang là hình thức hoạt động kinh doanh có sức ảnh hưởng nhất. Với phương thức này bên nhận quyền sẽ tiến hành các hoạt động cung ứng hàng hoá, dịch vụ theo hợp đồng nhượng quyền thương mại đã thoả thuận với bên nhượng quyền. Trong quan hệ này, hợp đồng nhượng quyền thương mại được xem là căn cứ xác lập quan trọng nhất. Do đó khi tiến hành ký kết, các bên cần lưu ý các vấn đề trọng điểm sau.
Hình thức hợp đồng nhượng quyền thương mại
Theo quy định tại Điều 285 Luật thương mại 2005 thì hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Việc không đáp ứng được điều kiện về mặt hình thức này có thể khiến cho hợp đồng không phát sinh hiệu lực.
Nội dung hợp đồng
Căn cứ Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP) thì trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam thì hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Nội dung của quyền thương mại.
– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
– Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
– Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
– Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Ngôn ngữ của hợp đồng
Trong trường hợp nhượng quyền từ nước ngoài về Việt Nam hay trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Riêng với trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài thì ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ do các bên thoả thuận.
Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP) có quy định thời hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận. Tuy nhiên hợp đồng vẫn có thể chấm dứt trước thời hạn thoả thuận trong các trường hợp được quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì theo quy định tại Điều 14 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP) thì hợp đồng nhượng quyền thương mại có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu trong hợp đồng nhượng quyền thương mại có phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thì phần đó có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
Đơn phương chấm dứt hợp đồng là một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trước thời hạn. Cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Cụ thể theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP) thì bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ.
Đối với bên nhượng quyền thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong các trường hợp sau đây:
– Bên nhận quyền không còn Giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật Bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại.
– Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại.
– Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ Bên nhượng quyền.
Trên đây là một số lưu ý trong hợp đồng nhượng quyền thương mại mà Phan Law Vietnam chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ trực tiếp theo thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn