Muốn ly hôn phải làm sao?
Trước nhất, khi muốn ly hôn, vợ, chồng cần chắc chắn quyết định của mình không dựa trên cảm xúc nhất thời, mà phải được xác định một cách lý trí và thực tế. Theo đó, vợ, chồng phải đặt các câu hỏi như: mục đích hôn nhân của hai người còn có thể đạt được hay không nếu hôn nhân tiếp tục duy trì, đối phương có suy nghĩ và cảm nhận như thế nào, đối phương đồng tình ly hôn hay không, việc ly hôn diễn ra vào thời điểm này có phù hợp không, con cái thế nào,…
Thông thường, người trong cuộc không biết muốn ly hôn phải làm sao, cứ tùy tiện hành xử theo cảm xúc, chưa nhìn nhận thấu đáo những khả năng của cuộc hôn nhân, cũng như chưa công nhận giá trị của đối phương, dẫn đến đưa ra quyết định chóng vánh và sau đó hối hận.
Tiếp theo, sau khi đã chắc chắn quyết định ly hôn, vợ, chồng phải trao đổi với nhau để nói lên suy nghĩ của mình và thông qua đó, cố gắng tìm tiếng nói chung để giải quyết các mâu thuẫn về tình cảm, tài sản và con chung. Bởi lẽ, dù tự mình đơn phương nộp đơn ly hôn đến Tòa án, Thẩm phán cũng theo thủ tục cho vợ, chồng gặp, trao đổi, hòa giải. Đây là việc nhiều người khi ly hôn muốn tránh né nhưng thực tế lại vô cùng cần thiết và phải thực hiện. Nếu không thẳng thắn và chân thành trao đổi ngay từ đầu, mọi việc về sau sẽ dễ mâu thuẫn gay gắt.
Cuối cùng, vợ, chồng nên nhờ chuyên gia, những người có thể tư vấn, giúp đỡ mình, không chỉ trong vấn đề pháp lý, định hướng thực hiện các thủ tục ly hôn, mà còn trong việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề tâm lý hoặc cách thức xử lý khi mình bị đối phương tấn công, bạo hành,…
Các bước giải quyết ly hôn như thế nào?
Bước thứ nhất, vợ, chồng nộp hồ sơ ly hôn cho Tòa án có thẩm quyền. Trường hợp ly hôn thuận tình, nghĩa là vợ chồng đều đồng ý ly hôn, hai bên sẽ soạn đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình theo mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP.
Trường hợp ly hôn đơn phương, nghĩa là chỉ một bên vợ hoặc chồng muốn ly hôn, bên muốn ly hôn phải soạn đơn ly hôn dưới hình thức đơn khởi kiện, theo thể thức quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước thứ 2, sau khi nhận đơn và hồ sơ hợp lệ, Thẩm phán tiến hành thủ tục hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc giải quyết ly hôn tại phiên tòa sơ thẩm.
Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình thường kéo dài 02-03 tháng. Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương có thể từ 04 tháng trở lên, tùy tính chất, mức độ phức tạp của tranh chấp.
Để biết cụ thể muốn ly hôn phải làm sao về mặt pháp lý tại Tòa án, vợ, chồng nên tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực luật hôn nhân – gia đình.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Nhiều vợ, chồng chưa nắm được nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn. Trên thực tế, tài sản trong trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng đều xem là tài sản chung, trừ khi có một bên chứng minh được đó là tài sản riêng.
Theo Điều 33 của Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu không có chứng cứ nào chứng minh được rằng tài sản đó là tài sản riêng của mỗi bên, thì tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung của cả hai. Điều này nhấn mạnh sự quan trọng của việc có chứng cứ cụ thể và minh bạch trong việc xác định tài sản riêng và tài sản chung trong quá trình ly hôn.
Tuy nhiên, khi được nhìn nhận là tài sản chung, không nhất thiết tài sản đó sẽ chia đôi. Việc phân chia tài sản còn dựa trên 04 yếu tố quan trọng sau:
- Hoàn cảnh vợ, chồng, con cái;
- Công sức đóng góp của mỗi bên trong việc, tạo lập, duy trì, phát triển tài sản;
- Bảo đảm quyền lợi của mỗi bên trong hoạt động kinh doanh, sản xuất;
- Việc vi phạm nghĩa vụ của mỗi bên, bao gồm các hành động gây tổn hại hoặc vi phạm nghĩa vụ vợ, chồng đã được pháp luật ràng buộc.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư