Nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mỗi cá nhân vào ngân sách nhà nước là nghĩa vụ của mọi công dân. Chính vì thế, Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người.
Những nguyên tắc cơ bản của thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân có thể hiểu nôm na là loại thuế được thu dựa trên thu nhập nhận được từ nhiều nguồn khác nhau (phải là các loại thu nhập chịu thuế theo quy định pháp luật) của cá nhân và cũng là một trong những loại thuế quan trọng trong hệ thống thuế của nhà nước ta. Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc:
- Lợi ích
- Công bằng
- Khả năng nộp thuế
Trong đó,
- Nguyên tắc “lợi ích” vì mọi người trong xã hội đều được hưởng những thành quả phát triển của đất nước về thể chế luật pháp, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự,… đồng thời cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình cho xã hội thông qua việc nộp thuế.
- Nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” được thể hiện ở chỗ: người có thu nhập cao hơn thì phải nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp thì chưa phải nộp thuế.
Theo đó, mặc dù cá nhân có nhiều nguồn thu nhập khác nhau nhưng trên thực tế không phải toàn bộ thu nhập phát sinh đều là đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân chỉ điều chỉnh phần thu nhập chịu thuế. Mọi hệ thống thu nhập dù đánh trên từng loại thu nhập hay tổng thu nhập nói chung đều tính thuế trên thu nhập ròng để phản ánh đúng đắn khả năng kinh tế của người nộp thuế. Vì thế, thu nhập chịu thuế được xác định dựa trên cơ sở các khoản thu nhập nhận được sau khi trừ đi một số khoản chi phí của người nộp thuế. Bên cạnh đó, việc đánh thuế thu nhập cá nhân còn được thực hiện theo phương pháp lũy tiến, tức là theo mức thuế thu nhập tăng dần lên. Thuế suất lũy tiến được coi là phương pháp hiệu quả nhất để đánh thuế theo “khả năng nộp thuế” của từng cá nhân.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân
Việc tính thuế đối với cá nhân cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được tiến hành theo ba bước sau đây:
Bước 1 : Xác định thu nhập chịu thuế
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công:
Thu nhập chịu thuế = Tổng số thu nhập nhận được
- Thu nhập từ đầu tư vốn:
Thu nhập chịu thuế = Tổng số các khoản thu nhập nhận được
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn:
Thu nhập chịu thuế = Giá bán – (Giá mua + Chi phí)
Bước 2: Xác định thu nhập chịu thuế
- Thu nhập thường xuyên, ổn định:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Giảm trừ gia cảnh + Đóng góp từ thiện + Đóng bảo hiểm bắt buộc)
- Thu nhập không thường xuyên, ổn định:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế
Bước 3: Xác định số thuế thu nhập phải nộp:
- Thu nhập thường xuyên, ổn định:
Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x thuế suất lũy tiến từng phần (biểu thuế suất này được quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung năm 2012)
- Thu nhập không thường xuyên, ổn định:
Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x thuế suất toàn phần (biểu thuế suất này được quy định tại Điều 23 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung năm 2012) Trong đó, “Giảm trừ gia cảnh” được quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân được quy định là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công và đối tượng nộp thuế phải là cá nhân cư trú. Gồm hai phần sau: mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/ tháng. Ở nước ta hiện nay, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo những nguyên tắc nêu trên sẽ góp phần đảm bảo tính hợp lý, công bằng, hiệu quả của hệ thống chính sách thuế và hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn