Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi được biết khi muốn sử dụng một tác phẩm nào đó phải xin phép quyền tác giả và quyền liên quan. Vậy nếu tôi muốn phát sóng bản ghi hình đã được công bố có phải xin phép trước khi sử dụng hay không?
Xin chân thành cảm ơn.
Thời hạn bảo hộ quyền liên quan của các đối tượng có giống nhau hay không?
Scan có được xem là hình thức sao chép tác phẩm?
Scan tác phẩm để đăng lên mạng có là hành vi xâm phạm quyền tác giả?
Trả lời:
Phan Law gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Khi sử dụng các đối tượng trên thì tổ chức, cá nhân phải xin phép và trả tiền thù lao, nhuận bút cho chủ thể quyền liên quan như: người biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; tổ chức phát sóng.
Khi muốn phát sóng bản ghi hình đã công bố thì tổ chức phát sóng phải xin phép nhà sản xuất bản ghi hình cũng như trả tiền nhuận bút cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, vì mục đích công cộng cũng như để đảm bảo tổ chức, cá nhân được tiếp cận đến các đối tượng của quyền liên quan, pháp luật đã quy định những trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 32 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, phát sóng bản ghi hình đã được công bố thuộc các trường hợp sau:
- Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng. Khi đó, tổ chức phát sóng không cần phải xin phép cũng như không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho nhà sản xuất bản ghi hình (điểm d khoản 1 Điều 32 Luật SHTT);
- Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo, thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào hoặc không tài trợ, quảng cáo, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào. Khi đó, tổ chức phát sóng không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 33 Luật SHTT);
- Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình bài hát đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng (khoản 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ). Việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình bài hát đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đó để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng (khoản 3 Điều 32 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).
Như vậy, phát sóng bản ghi hình không thuộc các trường hợp trên thì tổ chức, cá nhân phải xin phép chủ thể quyền liên quan trước khi phát sóng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, để được hỗ trợ liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn