Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Trong 4 quyền nhân thân được nêu ra trong Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, tôi nhận thấy rằng, quyền công bố tác phẩm được quy định tại khoản 3 luôn là quyền nhân thân duy nhất được nêu ra trong một số điều luật, và cũng là quyền nhân thân duy nhất bị loại trừ khỏi một số điều luật. Nên tôi thắc mắc không biết quyền công bố tác phẩm khác gì so với các quyền nhân thân khác? Mong Phan Law tư vấn giúp tôi.
Xin chân thành cảm ơn.
Sử thi được bảo hộ dưới hình thức nào?
Sản xuất phim điện ảnh từ truyện phải đáp ứng các yêu cầu nào?
Tác giả của tác phẩm phái sinh có các quyền nào?
Trả lời:
Phan Law gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Được hiểu là quyền nhân thân và quyền độc quyền về tài sản được pháp luật trao cho tác giả một tác phẩm là sáng tạo của tác giả đó. Hầu hết luật quyền tác giả của các nước đều phân biệt rõ giữa quyền kinh tế (quyền tài sản) và quyền tinh thần (quyền nhân thân). Chúng hợp lại thành quyền tác giả. Theo pháp luật Việt Nam cũng vậy, quyền tác giả được chia ra thành hai mảng là quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó, quyền nhân thân được liệt kê tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam bao gồm các quyền sau:
- Đặt tên cho tác phẩm.
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Theo đó, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc (khoản 2 Điều 20 Luật SHTT).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật SHTT, thì quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm được xác định là quyền nhân thân có thể chuyển nhượng được cho người khác. Có thể nói, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người phép công bố tác phẩm gắn liền với yếu tố “kinh tế, tài sản” nhiều hơn so với việc gắn với yếu tố nhân thân, danh dự, uy tín của cá nhân. Cũng chính vì vậy, mà quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm tuy là quyền nhân thân nhưng luôn luôn đi kèm trong các điều luật với Điều 20 quyền tài sản hơn là các quyền nhân thân khác được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, để được hỗ trợ đăng ký bản quyền tác giả Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn