Quyền im lặng được hiểu như thế nào?
Quyền im lặng, hay còn gọi là quyền không tự buộc tội, có nguồn gốc từ nguyên tắc pháp lý nổi tiếng “Nemo tenetur seipsum accusare” (được hiểu là “No man has to accuse himself” hay “Không ai có nghĩa vụ tự buộc tội chính mình”).
Theo đó, có thể hiểu một cách nôm na, người bị buộc tội có thể không cần trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra, mà không bị xem là có tội chỉ vì sự im lặng của mình. Điều này giúp bảo vệ người đó khỏi việc bị buộc phải cung cấp những thông tin mà có thể dẫn đến việc tự buộc tội chính mình.
Ý nghĩa của quyền im lặng trong tố tụng hình sự
Chế định về quyền im lặng trong tố tụng hình sự có ba ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, quyền im lặng đảm bảo rằng một người không bị ép buộc phải cung cấp những thông tin có thể dẫn đến việc tự kết tội, gây thiệt hại cho chính mình.
Thứ hai, quyền im lặng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn việc áp đặt, lạm dụng quyền lực của các cơ quan chức năng.
Khi người bị buộc tội không bị buộc phải cung cấp lời khai, họ sẽ không phải chịu các áp lực hoặc các hình thức cưỡng bức mà có thể khiến cho lời khai trở nên không chính xác hoặc không đầy đủ và không đáng tin cậy.
Thứ ba, quyền im lặng góp phần thúc đẩy tính minh bạch, công bằng, công chính trong hệ thống tư pháp. Quyền im lặng có thể đảm bảo rằng kết quả điều tra, xét xử dựa trên các chứng cứ và sự thật đã được chứng minh, chứ không chỉ được dựa trên cơ sở lời khai hoặc biểu hiện của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng.
Điều này cũng khuyến khích cơ quan chức năng thận trọng và chính xác hơn trong quá trình thu thập và phân tích chứng cứ.
Quyền im lặng trong tố tụng hình sự Việt Nam
Chế định về quyền im lặng trong tố tụng hình sự Việt Nam được thể hiện trong các quy định cụ thể như sau:
Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự về nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự về trách nhiệm chứng minh tội phạm: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Điểm c khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người tạm giữ: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của bị can: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của bị cáo: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Quyền im lặng trong tố tụng hình sự là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất, không chỉ bảo vệ những người bị cáo buộc khỏi việc tự buộc tội chính mình, mà còn đảm bảo rằng quá trình tố tụng diễn ra công bằng và minh bạch.
Quyền im lặng không chỉ là một quyền pháp lý mà còn là một biểu hiện của sự tôn trọng đối với quyền con người. Nó thể hiện sự tôn trọng quyền tự do và quyền không bị ép buộc phải cung cấp các chứng cứ chống lại chính mình.
Sự tôn trọng và thực thi quyền im lặng là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống pháp lý công bằng, nhân đạo và hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của mọi cá nhân được bảo vệ tối đa.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư