Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Trong các bộ phim phá án tôi xem, khi cảnh sát bắt được kẻ tình nghi đều sẽ nói: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”. Không biết đây có phải là câu nói bắt buộc trong thực tế hay không? Quyền im lặng có được áp dụng ở Việt Nam hay không?
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Xúi giục người khác trộm cắp thì có được xem là đồng phạm hay không?
>> Thấy người bị nạn không cứu, có vi phạm pháp luật hay không?
>> Người từng cai nghiện bắt buộc có được xem là có tiền sự hay không?
Quyền im lặng trong pháp luật hình sự Việt Nam
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Tìm hiểu Án lệ Miranda về quyền im lặng
Câu nói: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa” mà bạn chia sẻ chính là câu diễn giải ngắn gọn cho quyền im lặng hay còn được gọi là quyền Miranda xuất phát từ pháp luật Mỹ. Phiên bản đầy đủ của câu nói này đó là: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư”
Án lệ này xuất phát từ vụ án của Ernesto Miranda tại bang Arizona (Mỹ). Năm 1963 Ernesto Miranda bị cáo buộc về tội hiếp dâm, cướp tài sản. Hắn bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn trong phòng kín. Tại đây, cảnh sát cho biết nạn nhân đã nhận diện Miranda và hắn nhận tội. Đồng thời, Miranda phải ngồi viết lại bản thú tội của mình ra giấy, trên tờ giấy có in sẵn dòng chữ: “…Lời khai của tôi hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện và tự do ý chí, tôi không hề bị đe dọa, ép buộc hoặc được hứa hẹn vô tội, tôi nhận thức đầy đủ về quyền lợi hợp pháp của mình và hiểu rằng bất cứ phát ngôn nào của tôi đều có thể và sẽ được dùng để chống lại tôi”. Bản khai này là chứng cứ duy nhất để Tòa án buộc tội. Sau đó, Miranda bị kết án 30 năm tù.
Các Luật sư đã kháng cáo lên Tối cao pháp viện rằng Miranda đã không được phổ biến biết các quyền được thuê luật sư và không phải tự khai chống lại bản thân. Kết quả, phán quyết 5-4 đã quyết định sửa đổi phán quyết Tòa khu vực Arizona rằng bản tự khai không được xem là chứng cứ tại tòa. Ngày 13 tháng 6 năm 1966, pháp viện đã công bố bản phán quyết 60 trang buộc các thủ tục mà cảnh sát đảm bảo quyền của các nghi can, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc phải để người bị buộc tội biết rõ về quyền im lặng, quyền được có luật sư.
Về quyền im lặng trong pháp luật hình sự Việt Nam
Quyền im lặng tại pháp luật hình sự Việt Nam chưa được quy định, định nghĩa cụ thể; tuy nhiên đã được ghi nhận các nguyên tắc cơ bản về quyền này như:
Quyền im lặng được cụ thể hóa thành các nguyên tắc trong pháp luật Tố tụng Hình sự
Thứ nhất, nguyên tắc suy đoán vô tội
Điều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành nêu rõ:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
Thứ hai, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án
Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự nhấn mạnh rằng: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.”
Thứ ba, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự
Pháp luật quy định rõ về những quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong quá trình tham gia tố tụng. Theo các quy định tại Điểm d, khoản 1, Điều 58; điểm c, khoản 2, Điều 59; điểm d, khoản 2, Điều 60; điểm h, khoản 2, Điều 61 Bộ luật Tố Tụng Hình sự hiện hành, các chủ thể trên đều được đảm bảo quyền:
“Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Có thể thấy, tuy chưa được áp dụng một cách toàn diện về quyền im lặng, nhưng pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận và thực hiện áp dụng quyền này để góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể tham gia tố tụng. Để được hỗ trợ chi tiết nhất về quyền im lặng trong các trường hợp cụ thể, hãy trao đổi với các luật sư cua Phan Law Vietnam thông qua các phương thức liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư