Theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 thì: Các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra như việc ngồi tù oan sẽ được Nhà nước bồi thường theo quy định của pháp luật.
Xem thêm:
>> Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm gồm những gì?
>> Mở lớp dạy online thu tiền, có vi phạm pháp luật?
>> Bị xử lý ra sao khi thuê người mang thai hộ nhưng sau đó không nhận con?
Thời gian qua, Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ án oan sai khiến nhiều người phải ngồi tù oan trong nhiều năm, điển hình có thể kể đến một số vụ án oan sai lớn gây xôn xao dư luận như: Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long,… Cách đây không lâu, một bí thư Đoàn đã được xin lỗi công khai vì bị ngồi tù oan suốt 2 năm.
Thưa luật sư, những người bị xử án sai và ngồi tù oan sẽ được bồi thường thế nào theo quy định của pháp luật?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra sẽ được Nhà nước bồi thường thiệt hại nếu có đủ căn cứ xác định:
(1) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường;
(2) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; các thiệt hại xảy ra đó thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, thiệt hại được Nhà nước bồi thường là thiệt hại thực tế đã phát sinh và các khoản lãi (nếu có) được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến khi chấm dứt thiệt hại đó, bao gồm:
(1) Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;
(2) Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
(3) Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết;
(4) Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm;
(5) Thiệt hại về tinh thần;
(6) Các chi phí khác như: chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.
Ngoài ra, người bị thiệt hại còn được khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác, được trả lại tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật và được phục hồi danh dự.
Bồi thường thế nào khi bị ở tù oan?
Các trường hợp Nhà nước sẽ không bồi thường các thiệt hại
Cần lưu ý rằng Nhà nước sẽ không bồi thường các thiệt hại trong Các trường hợp sau đây:
(1) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;
(2) Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;
(3) Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Các trường hợp Nhà nước sẽ không bồi thường các thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước cũng sẽ không bồi thường các thiệt hại sau đây:
(1) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
(2) Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;
(3) Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;
(4) Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.
Trong trường hợp án oan là án tử hình, người bị xử oan đã chết mới được rửa oan thì sẽ có những bù đắp thế nào theo quy định của pháp luật thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Trong trường hợp này, người bị oan vẫn được bồi thường như đã nêu. Cụ thể, sẽ có các thiệt hại được bồi thường, bao gồm:
Các thiệt hại về vật chất là:
(1) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại trước khi chết;
(2) Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại trước khi chết;
(3) Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh trước khi chết;
(4) Chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết;
(5) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Các thiệt hại về tinh thần được xác định là 360 tháng lương cơ sở.
Tuy nhiên vì lúc này người bị oan đã chết, nên người thực hiện quyền yêu cầu bồi thường là người thừa kế của người chết.
Bên cạnh đó, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thực hiện việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai theo quy định tại Điều 59 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Tác giả: Thư Quỳnh – Nguyễn Quang
Theo báo Dân Trí
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư
Nhuồn:
https://dantri.com.vn/ban-doc/bi-ngoi-tu-oan-duoc-boi-thuong-the-nao-20210420105245773.htm