Thủ tục ly hôn gồm những gì?
Thủ tục ly hôn thường khác nhau tùy theo quy định pháp luật của từng quốc gia. Tuy nhiên, ở nhiều nước, quy trình thủ tục giải quyết ly hôn thường bao gồm các bước chính sau đây:
Bước 1 – Nộp đơn yêu cầu ly hôn: Một trong hai bên hoặc cả hai bên vợ chồng nộp đơn yêu cầu ly hôn tới cơ quan có thẩm quyền. Đơn này có thể yêu cầu ghi chính xác lý do ly hôn và các yêu cầu khác khi giải quyết ly hôn.
Bước 2 – Hòa giải (nếu cần thiết): Ở một số quốc gia, trước khi chính thức ly hôn, vợ chồng phải tham gia hòa giải hoặc trọng tài để cố gắng giải quyết mâu thuẫn.
Bước 3 – Phân chia tài sản (nếu có): Nếu có tài sản chung, vợ chồng cần phải thỏa thuận hoặc thông qua quyết định của tòa án về việc phân chia tài sản và trách nhiệm tài chính.
Bước 4 – Quyết định việc nuôi con và trợ cấp nuôi con: Trường hợp có con chung, vợ chồng thường cần quyết định về quyền nuôi con, bao gồm cả việc trợ cấp cho con chưa thành niên hoặc con thành niên không có khả năng lao động.
Bước 5 – Ban hành bản án, quyết định công nhận việc ly hôn: Sau khi thủ tục hòa giải không thành công, cơ quan thẩm quyền hoặc tòa án ban hành bản án hoặc quyết định để công nhận việc ly hôn.
Tuy nhiên những quy định cụ thể và thủ tục chi tiết có thể khác nhau tùy theo quốc gia và từng trường hợp cụ thể. Để biết thông tin chi tiết, Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến của chuyên viên, luật sư chuyên về lĩnh vực hôn nhân gia đình tại địa phương.
Ở Việt Nam thì thủ tục ly hôn gồm những gì?
Theo quy định luật hôn nhân – gia đình ở Việt Nam, việc ly hôn được chia thành 02 dạng: (1) Thuận tình ly hôn, nghĩa là có sự đồng thuận từ cả hai bên vợ, chồng; (2) Đơn phương ly hôn, nghĩa là chỉ có một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn.
Như vậy, ở Việt Nam, thủ tục ly hôn gồm những gì sẽ tùy theo việc ly hôn thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp nêu trên.
Trường hợp thuận tình ly hôn
Vợ chồng sẽ soạn hồ sơ ly hôn, gồm các giấy tờ chủ yếu như:
- Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn theo Mẫu số 01-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao y chứng thực các giấy tờ chứng minh nhân thân, như căn cước công dân,…
Trường hợp đơn phương ly hôn
Một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn phải soạn hồ sơ gồm:
- Đơn khởi kiện về việc ly hôn đơn phương có các nội dung được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao y chứng thực các giấy tờ chứng minh nhân thân, như căn cước công dân,…;
- Tài liệu chứng cứ thể hiện lý do ly hôn, ví dụ chứng cứ ngoại tình, bạo lực gia đình,…
Nếu có yêu cầu giải quyết, quyết định quyền trực tiếp nuôi con, phân chia tài sản và các nghĩa vụ tài chính liên quan, hồ sơ sẽ có thêm: Bản sao y chứng thực Giấy khai sinh của con; Bản sao y chứng thực Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với tài sản chung; Bản sao y chứng thực Giấy chứng nhận về nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Sau đó, hồ sơ sẽ được nộp đến Tòa án có thẩm quyền. Sau khi thụ lý hồ sơ ly hôn, Tòa án mở phiên hòa giải, công khai chứng cứ, đánh giá các điều kiện ly hôn. Trên cơ sở ý kiến các bên, chứng cứ hợp pháp và sự vận dụng quy định pháp luật, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc mở phiên tòa xét xử, giải quyết ly hôn.
Kết quả của việc ly hôn là quyết định công nhận ly hôn hoặc bản án giải quyết ly hôn.
Thủ tục ly hôn có nhanh không?
Trường hợp ly hôn thuận tình, thời gian ly hôn từ 02 – 03 tháng, kể từ thời điểm thụ lý đơn; riêng trường hợp đơn phương, thì trung bình mất khoảng thời gian từ 04 – 06 tháng hoặc một khoảng thời gian dài hơn.
Thời gian giải quyết thủ tục ly hôn phụ thuộc vào mức độ phức tạp của vụ việc, mâu thuẫn của vợ chồng và đôi khi, cũng phụ thuộc vào khả năng của vợ, chồng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Nhiều trường hợp Tòa án đã quyết định người trực tiếp nuôi con nhưng sau đó, lại không đủ điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục con, dẫn đến Tòa án phải quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư