Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, việc thiết lập một hệ thống luật phá sản hiệu quả và linh hoạt luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và sự ổn định của hệ thống tài chính. Trong bài viết này sẽ giới thiệu về các điều kiện, trình tự và thủ tục để mở thủ tục phá sản, cũng như các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình phá sản, xin mời các bạn đọc cùng theo dõi.
Phá sản là gì?
Phá sản là một khái niệm pháp lý, chỉ trạng thái mà một doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc cá nhân không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của mình. Phá sản là một giải pháp cuối cùng để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, như chủ nợ, người lao động, cổ đông, thành viên… Phá sản được thực hiện theo quy trình và thủ tục pháp lý do Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Điều kiện để mở thủ tục phá sản
Để mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện là mất khả năng thanh toán. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp không có khả năng trả đủ số tiền cho các khoản nợ đã đến hạn hoặc sắp đến hạn trong vòng 03 tháng kể từ ngày có yêu cầu thanh toán
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể được tuyên bố phá sản khi không có khả năng trả lương hoặc các khoản nợ khác cho người lao động trong vòng 03 tháng kể từ ngày có yêu cầu thanh toán;
Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người có quyền và nghĩa vụ yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản quy định ở Điều 5 Luật phá sản 2014 bao gồm:
- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Xem thêm: Trường hợp nào doanh nghiệp chấm dứt tồn tại mà không cần làm thủ tục giải thể hay phá sản?
Quy trình thực hiện thủ tục mở phá sản của luật phá sản mới nhất
Hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản
Hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm;
- Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Tên, địa chỉ của người làm đơn;
- Căn cứ yêu cầu mở thủ tục phá sản.
– Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 03 năm gần nhất. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động chưa đủ 03 năm thì kèm theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong toàn bộ thời gian hoạt động;
– Bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp, hợp tác xã mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán;
– Bảng kê chi tiết tài sản, địa điểm có tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
– Danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, trong đó phải ghi rõ tên, địa chỉ của chủ nợ, người mắc nợ, khoản nợ, khoản cho vay có bảo đảm, không có bảo đảm, có bảo đảm một phần đến hạn hoặc chưa đến hạn;
– Giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã;
– Kết quả thẩm định giá, định giá giá trị tài sản còn lại (nếu có).
Thủ tục mở phá sản
Trình tự, thủ tục mở phá sản theo quy định của Luật phá sản được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ mở phá sản
– Để yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản, người có quyền và nghĩa vụ phải làm đơn và gửi kèm các tài liệu, chứng cứ liên quan đã nêu ở trên đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân.
- Gửi qua bưu điện có dấu bưu điện nơi gửi.
Bước 2: Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý.
Bước 3: Thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản như sau:
- Nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự;
- Nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.
Bước 4: Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
Bước 5: Thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Bước 6: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Bước 7: Thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.
Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư