Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau: Cho tôi hỏi trong trường hợp nào thì doanh nghiệp chấm dứt tồn tại mà không cần làm thủ tục giải thể hay phá sản?
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm:
>> Hộ kinh doanh có cần làm thủ tục giải thể hay không?
>> Có quyết định giải thể doanh nghiệp thì có tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã giao kết hay không?
>> Điều kiện giải thể doanh nghiệp theo pháp luật hiện nay
Doanh nghiệp chấm dứt tồn tại.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Trường hợp nào doanh nghiệp chấm dứt tồn tại mà không cần làm thủ tục giải thể hay phá sản?
Đối với các trường hợp khi doanh nghiệp chia, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp hoặc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp thì lúc này doanh nghiệp sẽ chấm dứt tồn tại mà không cần phải làm thủ tục giải thể hay phá sản.
Trường hợp chia doanh nghiệp
Theo khoản 1 Điều 198 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty TNHH, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.
Tại khoản 4 Điều 198 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty.
Theo đó, doanh nghiệp bị chia sẽ chấm dứt tồn tại, còn các nghĩa vụ và quyền lợi của nó sẽ được chuyển qua cho các công ty được thành lập từ việc chia doanh nghiệp này.
Trường hợp hợp nhất doanh nghiệp
Theo Khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc Hợp nhất doanh nghiệp là hai hoặc một số công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
Tại khoản 4 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định: Sau khi công ty hợp nhất đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.
Trường hợp sáp nhập doanh nghiệp
Theo khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Tại điểm c khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có quy định rõ: “Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.”
Doanh nghiệp chấm dứt tồn tại mà không cần làm thủ tục giải thể.
Trường hợp chuyển đổi hình thức doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định có thể hiểu việc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp là việc thay đổi hình thức tổ chức, cơ cấu doanh nghiệp từ loại hình này sang loại hình khác theo quy định của pháp luật. Trong đó có 4 hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gồm:
- Chuyển đổi công ty TNHH thành CTCP;
- Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH MTV;
- Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Chuyển đổi công ty tư nhân thành công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh;
Như vậy, sau khi thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị chuyển đổi sẽ chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó vẫn hoạt động nhưng lại dưới một hình thức khác. Đồng thời, các khoản nợ, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp cũ sẽ được chuyển sang cho doanh nghiệp mới.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư