Thừa kế thế vị được quy định như thế nào?
Theo quy định Bộ luật dân sự, thừa kế thế vị là trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.
Trường hợp cháu chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì lúc này, chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
* Lưu ý, thừa kế thế vị cũng được áp dụng trong mối quan hệ con nuôi với cha nuôi, mẹ nuôi. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, thì “con” của người con nuôi (tức “cháu”) chưa được xác định rõ là con nuôi hay con đẻ của người con nuôi đó, nên dẫn đến nhiều quan điểm và cách áp dụng luật khác nhau.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 02/HĐTP “Con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha mẹ người nuôi dưỡng“, có quan điểm cho rằng trường hợp người con nuôi lại có con nuôi, thì con nuôi đó (tức “cháu”) không được hưởng thừa kế thế vị di sản của ông, bà nuôi.
Trường hợp không được quyền hưởng di sản
Theo quy định, những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tuy nhiên, những người này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Hiện tại pháp luật dân sự chưa quy định cụ thể trường hợp cha mẹ không được hưởng di sản thì con cái họ có được thừa kế thế vị hay không. Nhiều quan điểm ủng hộ việc sửa đổi quy định thừa kế thế vị theo hướng để con cái được thừa kế thế vị trong trường hợp cha mẹ họ không được quyền hưởng di sản.
Thừa kế thế vị theo pháp luật nước ngoài
Đối chiếu với quy định pháp luật một số nước trên thế giới cũng đã có những quy định cho phép cháu, chắt hưởng di sản thừa kế thế vị của ông, bà hoặc các cụ kể cả trong trường hợp cha mẹ của họ không được hưởng thừa kế hoặc thậm chí, cha mẹ của họ còn sống.
Theo Bộ Luật dân sự Pháp, Điều 754 quy định: “Có thể thừa kế thế vị người bị truất quyền hưởng di sản thừa kế” và Điều 755 quy định: “Con cháu của người không xứng đáng hưởng thừa kế được thừa kế thế vị người này mặc dù người này còn sống tại thời điểm mở thừa kế”.
Bộ Luật dân sự và Thương mại Thái Lan, Điều 1606 có quy định những trường hợp bị loại trừ khỏi việc thừa kế vì không xứng đáng, nhưng tại Điều 1607 của Bộ luật này cũng quy định: “Hiệu lực của việc loại trừ khỏi việc thừa kế là mang tính cá nhân. Những con cháu của người thừa kế bị loại trừ vẫn được thừa kế như thể người thừa kế đó đã chết…”.
Bộ Luật dân sự Campuchia, Điều 1157 quy định: “Trường hợp con của người để lại thừa kế chết trước khi bắt đầu thừa kế hoặc khi bị mất quyền thừa kế theo quy định trong Điều 1150 (Người không đủ tư cách thừa kế) hoặc mất quyền thừa kế do bị xóa bỏ thì con của người đó sẽ thay thế để trở thành người thừa kế. Tuy nhiên, những người không phải là người có quan hệ trực hệ bề dưới của người để lại thừa kế thì không thuộc phạm vi điều chỉnh này”.
Trên đây là nội dung phân tích sơ bộ về quy định thừa kế thế vị theo pháp luật Việt Nam và quốc tế. Để biết thêm chi tiết, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ Phan Law Vietnam theo thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư