Khi bắt đầu kinh doanh, các nhà đầu tư thường hay thắc mắc về các loại hình doanh nghiệp hiện hành theo quy định của pháp luật Việt Nam. Công ty TNHH một thành viên là gì? Công ty hợp danh là gì?… để có thể tìm được loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục đích kinh doanh và mục tiêu phát triển lâu dài. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu về loại hình doanh nghiệp đầu tiên: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong bài viết dưới đây nhé!
Công ty TNHH một thành viên là gì?
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là loại hình doanh nghiệp phổ biến trên thị trường Việt Nam được pháp luật công nhận và bảo hộ. Theo đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mang những đặc điểm được liệt kê tại Điều 73 Luật Doanh nghiệp 2014 (Luật DN) như sau:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.
Về việc góp vốn thành lập công ty, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải thực hiện góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật DN.
Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là gì?
Dù chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức hay cá nhân thì đều phải thực hiện được các nghĩa vụ chung được quy định tại Điều 76 Luật DN bao gồm:
- Góp đầy đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty; Tuân thủ Điều lệ công ty.
- Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
- Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
- Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của Luật DN và Điều lệ công ty.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về công ty TNHH một thành viên là gì trong những bài viết khác của Phan Law Vietnam thông qua trang website https://phan.vn hoặc trực tiếp liên hệ với đội ngũ Luật sư và các chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp của Phan Law thông qua:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn