Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì?
Trên thực tế, chúng ta dễ dàng bắt gặp muôn hình vạn trạng các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi công nghệ ngày càng phát triển, việc lừa đảo trên không gian mạng càng nở rộ và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn.
Một trong những cách thức lừa đảo phổ biến nhất đó là đánh động tâm lý tìm việc làm của người lao động, tạo ra các công việc ảo với mức lương hấp dẫn. Lướt một vòng trên mạng, không khó để bắt gặp các lời mời như “làm việc tại nhà lương cao”, “tạo thu nhập thụ động từ vốn 0 đồng”, … Tuy nhiên, đây đều là những lời quảng cáo tuyển dụng nhằm mục đích đưa người dân vào bẫy để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một chiêu trò lừa đảo khác cũng không kém phổ biến đó là bán hàng giả đội lốt hàng thật trên không gian mạng. Hành vi này không chỉ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hàng thật, mà còn có dấu hiệu của tội lừa đảo.
Vậy, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được định nghĩa là việc sử dụng “thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”; theo đó, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo trên 2 triệu mới bị phạt tù?
Khác với quan niệm của nhiều người cho rằng chỉ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu mới bị xử lý hình sự, thực tế cho thấy trong một số trường hợp đặc biệt, tội phạm dưới 2 triệu vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như bình thường, cụ thể:
Thứ nhất, theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) người phạm tội dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp sau đây thì bị xử lý hình sự, với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Thứ hai, trong trường hợp người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, tổng giá trị tài sản các lần bằng hoặc trên 2 triệu đồng, không thuộc trường hợp các trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên và cũng chưa bị xử lý hành chính, thì người phạm tội đó sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội nếu:
- Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
- Việc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản chiếm đoạt được làm nguồn sống chính.
- Do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải được thực hiện nhiều lần khiến cho giá trị tài sản bị chiếm đoạt mỗi lần dưới 500 ngàn đồng.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân?
Có thể nhiều người ít nhiều có biết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì, nhưng ít ai biết người phạm tội này còn có thể đối diện với mức án tù chung thân.
Căn cứ khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác mà trị giá tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc phạm tội trong trường hợp lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng vẫn có thể bị áp dụng hình phạt tù chung thân. Đây cũng là mức phạt cao nhất trong tội danh này, thường áp dụng khi người phạm tội có những tình tiết làm tăng nặng trách nhiệm hình sự, ví dụ như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư