Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Để ứng phó với dịch bệnh này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu cách ly toàn xã hội bắt đầu từ 0h sáng ngày 01/4/2020. Nội dung chính của Chỉ thị yêu cầu người dân tự cách ly ở nhà và hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết, đồng thời tạm ngưng hoạt động của hàng loạt các quán xá, dịch vụ,…
Trả lương cho người lao động bị dừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như thế nào?
Để chấp hành và cùng chung tay chống lại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng… cần tạm ngưng hoạt động. Dẫn theo hệ quả hàng loạt người lao động bị ngừng hợp đồng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng lao động có thể hiểu đơn giản là việc một bên tạm ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký kết. Kịp thời xử lý vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã gửi công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL nhằm hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, đối với trường hợp bắt buộc phải tạm ngưng hợp đồng cho người lao động do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 (Bao gồm: Người lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc trong thời gian có dịch theo quy định; Người lao động phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được vì những người lao động khác trong thời gian chưa quay trở lại làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền) thì việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động 2012. Cụ thể, tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Tính đến thời điểm này, mức lương tối thiểu vùng trên cả nước có nhiều thay đổi và được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Ngoài điểm chính này, công văn của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội còn hướng dẫn các chủ doanh nghiệp có thể linh động hơn trong một số trường hợp ảnh hưởng khác như: tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động; thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động. Tất cả các trường hợp này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể linh động và dựa trên quy định có sẵn tại Bộ Luật Lao động 2012 để tiến hành.
Dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, để có thể vừa đảm bảo thực hiện đúng theo các chỉ thị ứng phó với dịch từ chính phủ, cũng như vẫn đảm bảo được lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp nên liên tục cập nhật tình hình và hướng dẫn trực tiếp từ Nhà nước để đưa ra các quyết định sáng suốt nhất./.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn