Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm, đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm nên năm 2000 Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời, vì thế, việc xin cấp phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm phải làm đúng theo luật định. Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm nói riêng và hoạt động của công ty bảo hiểm nói chung đòi hỏi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch định hướng và phát triển của thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính tại Việt Nam. Vì thế, kinh doanh bảo hiểm là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.
Bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm là gì?
Mọi thứ trên thế giới này đều xuất phát từ nhu cầu. Trong cấu trúc về Tháp Nhu cầu của Maslow, bên cạnh nhu cầu sinh lý cơ bản, nhu cầu an toàn cũng được đề cao. Ở bất kỳ thời đại nào, con người luôn tìm cách bảo vệ an toàn cho bản thân và tài sản trước những rủi ro tiềm ẩn. Có nhiều cách để giải quyết rủi ro phát sinh trong cuộc sống hàng ngày: né tránh, chấp nhận, kiểm soát và đặc biệt là chuyển giao rủi ro. Vì thế, bảo hiểm ra đời để giúp những người mua bảo hiểm chuyển giao rủi ro thông qua hợp đồng bảo hiểm được ký kết bởi các bên, trong đó, bên mua bảo hiểm phải chấp nhận trả phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải cam kết bồi thường hoặc trả tiền. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010, kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Do đó, việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm ngày càng nhiều. Tuy sức cạnh tranh ngày càng cao nhưng ta cũng không thể phủ nhận tầm phát triển của các công ty bảo hiểm.
Điều kiện và mức vốn pháp định để được cấp phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
Điều kiện đối với tổ chức tham gia góp vốn
Khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, thành viên tham gia góp vốn phải là tổ chức và phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đối với tổ chức nước ngoài muốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm:
- Là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được doanh nghiệp nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam;
- Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam;
- Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
- Đối với tổ chức Việt Nam muốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm:
- Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm;
- Có tổng tài sản tối thiểu 2000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Ngoài các điều kiện nêu trên, khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, tổ chức góp vốn cũng phải thỏa một số điều kiện sau:
- Tổ chức tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm không thuộc các đối tượng bị cấm;
- Tổ chức tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm phải góp vốn bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;
- Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
- Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp;
- Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính; công ty chứng khoán thì các tổ chức này phải bảo đảm duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành;
Mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến được thành lập
Khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau: Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng;
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng;
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:
- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng;
- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng;
- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng.
Hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
(1) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ tài chính quy định; (2) Dự thảo Điều lệ công ty; (3) Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm; (4) Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là chủ tịch Công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, chuyên gia tính toán học chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm; (5) Danh sách thành viên sáng lập hoặc góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên và các giấy tờ kèm theo sau đây:
- Bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác;
- Điều lệ công ty;
- Văn bản của cấp có thẩm quyền của cổ chức góp vốn quyết định việc tham gia;
- Văn bản ủy quyền, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoăc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức góp vốn;
- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền cho công ty con thì cung cấp cả báo cáo tài chính của công ty con đó;
- Văn bản ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cho công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài và cam kết cùng công ty con chịu trách nhiệm đối với việc góp vốn và quy định rõ nghĩa vụ của công ty con trong việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam;
(6) Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai; (7) Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng; (8) Hợp đồng hợp tác; (9) Biên bản họp của các thành viên góp vốn về việc:
- Nhất trí góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
- Danh sách các thành viên sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên;
- Thông qua dự thảo Điều lệ công ty;
(10) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức nước ngoài góp vốn đóng trụ sở chính xác nhận:
- Tổ chức nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
- Tổ chức nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành hoạt động ở Việt Nam;
- Tổ chức nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;
- Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước nơi tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
(11) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật chuyên ngành; (12) Văn bản cam kết của các thành viên góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật; (13) Văn bản ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt thành viên góp vốn để thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép.
Nơi nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, chúng ta đến Bộ Tài chính để thực hiện thủ tục xin Giấy phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm.
Thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm:
60 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn