Thủ tục từ chối nhận di sản
Theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, từ chối nhận di sản là một quyền của người thừa kế, không muốn nhận phần tài sản do người chết để lại cho mình. Việc từ chối nhận di sản chỉ được thực hiện trước khi di sản được phân chia. Nghĩa là, từ lúc mở thừa kế đến lúc chia di sản, người thừa có thể từ chối nhận di sản.
Về mặt thủ tục, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và phải gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
Hiện tại, luật không yêu cầu bắt buộc văn bản từ chối nhận di sản phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, người từ chối vẫn có thể thủ tục công chứng văn bản tại văn phòng công chứng, hoặc chứng thực văn bản tại UBND cấp xã.
Ai được từ chối nhận di sản?
Chỉ người thừa kế mới có quyền từ chối nhận di sản. Vậy, những ai được xem là người thừa kế? Nhiều người xác định người thừa kế chỉ dựa trên quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Trên thực tế, chúng ta cần hiểu rằng, người thừa kế được xác định dựa trên 03 yếu tố cơ bản và quan trọng sau đây: (1) Huyết thống; (2) Quan hệ hôn nhân, gia đình, nuôi dưỡng, chăm sóc; (3) Ý chí của người để lại di sản (di chúc).
Theo đó, trường hợp người để lại di sản có để lại di chúc hợp pháp, thì người được liệt kê nhận di sản theo di chúc đó chính là người thừa kế. Tuy nhiên, người thừa kế trong trường hợp này phải đảm bảo đủ điều kiện tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:
- Nếu người thừa kế theo di chúc là cá nhân, thì người này phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Nếu người thừa kế theo di chúc không là cá nhân ví dụ doanh nghiệp, tổ chức,… thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Ngoài những người thừa kế có tên theo di chúc nêu trên, còn có những người thừa kế không theo di chúc, bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc không còn người thừa kế theo di chúc, thì người thừa kế lúc này sẽ được xác định theo huyết thống và mối quan hệ hôn nhân, gia đình, tuần tự thành các hàng thừa kế, như sau:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Sau khi được xác định là người thừa kế, thì những người này có quyền từ chối nhận di sản.
Khi nào không được từ chối nhận di sản?
Theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế không được từ chối nhận di sản nếu việc từ chối đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Ví dụ, người thừa kế cố ý từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc bồi thường thiệt hại cho người khác. Trường hợp này, người thừa kế sẽ không được từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, người thừa kế cũng không được từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại. Ví dụ, người chết để lại di sản là một căn nhà đang trả góp, thì trừ khi có thỏa thuận khác, nếu không, người thừa kế vẫn phải nhận di sản và tiếp tục trả góp, hoàn thành nghĩa vụ của người chết.
Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Trên đây là nội dung sơ bộ về vấn đề từ chối nhận di sản và các trường hợp mà người thừa kế không được từ chối nhận di sản. Quý Khách hàng vui lòng truy cập Phan.vn để tìm đọc thêm nhiều bài viết liên quan.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư