Tóm tắt quy trình ly hôn
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Do đó, việc ly hôn phải thực hiện theo đúng quy trình luật định thì mới có hiệu lực.
Trước tiên, việc ly hôn phải xuất phát từ yêu cầu, ý chí tự nguyện của một bên vợ hoặc chồng, hoặc của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, đó là trường hợp vợ chồng có xảy ra bạo lực gia đình nghiêm trọng, mà nạn nhân, là người chồng hoặc người vợ, bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không thể tự đưa ra yêu cầu ly hôn, thì cha mẹ hoặc người thân thích của họ có thể yêu cầu ly hôn thay cho họ.
Ngoài ra, trường hợp người chồng là bên duy nhất muốn ly hôn, thì người chồng cũng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thứ hai, về mặt thủ tục, vợ, chồng có thể có thể nộp đơn đến Tòa án để yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Trong thời hạn hợp lý sau khi nhận được đơn hợp lệ, Tòa án sẽ giải quyết ly hôn bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp tranh chấp tài sản, con cái phức tạp, việc ly hôn có thể kéo dài, thậm chí trải qua nhiều cấp xét xử.
Để đảm bảo việc ly hôn tiến hành nhanh chóng, vợ, chồng cần phải biết viết đơn ly hôn như thế nào cho đúng quy định pháp luật.
Viết đơn ly hôn như thế nào?
Cách viết đơn ly hôn như thế nào cũng tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp hai vợ chồng đều đồng ý ly hôn, đơn ly hôn chính là Đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Vợ và chồng có thể lấy đơn từ Tòa án hoặc tải mẫu đơn này trực tuyến để viết cho đúng. Đơn này được ban hành cùng với Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP).
Trong đơn này, vợ chồng cần viết các thông tin như ngày tháng năm nộp đơn, tên Tòa án nơi nộp đơn, thông tin cá nhân, địa chỉ cư trú của cả hai và những yêu cầu cụ thể về việc giải quyết ly hôn, ví dụ thỏa thuận, thống nhất về việc chia tài sản, con cái,…. (nếu có). Sau đó, vợ chồng ký và ghi rõ họ tên trước khi nộp đơn cho Tòa án.
Trường hợp chỉ có một bên vợ hoặc chồng muốn ly hôn, thì bên muốn ly hôn phải soạn đơn khởi kiện và nộp cho Tòa án để khởi kiện thành một vụ án ly hôn. Đơn khởi kiện đó chính là đơn ly hôn. Theo quy định BLDS, đơn khởi kiện không có mẫu sẵn nhưng phải có những nội dung cơ bản như sau: ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện, tên Tòa án nhận đơn khởi kiện, thông tin cá nhân, địa chỉ cư trú của người khởi kiện và người bị kiện, cũng như các yêu cầu cụ thể về việc giải quyết ly hôn.
Theo đó, người khởi kiện có thể viết tay hoặc đánh máy hoặc nhờ người khác hỗ trợ đánh máy, soạn đơn. Nhiều văn phòng, công ty tư vấn luật hôn nhân – gia đình có dịch vụ hỗ trợ soạn đơn ly hôn, nhưng bạn cần lựa chọn những đơn vị có uy tín và kinh nghiệm giúp soạn đơn đúng luật, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình trong tranh chấp ly hôn.
Lưu ý khi tranh chấp tài sản
Thứ nhất, tài sản hình thành trong quá trình hôn nhân là tài sản chung. Theo đó, tài sản chung sẽ không chỉ bao gồm thu nhập từ lao động và kinh doanh, mà còn có thể bao gồm các lợi ích khác như hoa lợi, lợi tức, và tài sản thừa kế hoặc tặng cho trong quá trình hôn nhân.
Trường hợp muốn yêu cầu Tòa án nhìn nhận một tài sản là tài sản riêng để không phải chia, thì bên có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ hợp pháp để chứng minh đó là tài sản riêng của mình. Ví dụ, bên có yêu cầu phải chứng minh tài sản đó có được do thừa kế riêng, do được tặng cho riêng hoặc do có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng của mình.
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Thứ hai, tài sản chung vợ chồng không luôn luôn được chia đôi. Trước tiên, cần hiểu rằng, việc phân chia tài sản chung giữa vợ và chồng có thể thực hiện theo thỏa thuận. Theo đó, hai bên có thể quyết định chia đôi hoặc chia theo một tỷ lệ khác mà họ đồng thuận. Tuy nhiên, trường hợp không thể thống nhất được, không có tiếng nói chung, thì Tòa án sẽ can thiệp để giải quyết việc phân chia dựa trên một các yếu tố sau:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Theo đó, nếu việc chia đôi không hợp tình hợp lý, Tòa án có thể quyết định chia tài sản theo một tỷ lệ khác, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên.
Nhìn chung tranh chấp ly hôn không đơn giản, bên cạnh việc tìm hiểu cách viết đơn ly hôn như thế nào cho đúng, thì vợ chồng cũng nên có sự tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý chuyên sâu của luật sư, chuyên viên tư vấn có kinh nghiệm để bảo vệ quyền lợi của mình tốt nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư