Cuộc cạnh tranh gay cấn đang diễn ra giữa taxi Grab, Uber (được gọi là taxi công nghệ) và các hãng taxi khác (được gọi là taxi truyền thống). Trong cuộc cạnh tranh này, có một vấn đề pháp lý nảy sinh: Bất cập trong quy định điều kiện kinh doanh.
Các hãng taxi truyền thống là các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ bằng taxi.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện kinh doanh mà các doanh nghiệp này phải đáp ứng bao gồm: đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô; lái xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải; xe taxi phải có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe).
Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) và số điện thoại giao dịch cho các xe thuộc đơn vị.
Phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị. Từ ngày 1-1-2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải tối thiểu 10 xe, riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có tối thiểu 50 xe…
Đối với Uber và Grab, quy định điều kiện kinh doanh không giống như vậy. Theo Quyết định 24 ngày 7-1-2016 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, taxi công nghệ của Grab hay Uber được xem là hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo đó, điều kiện đối với đơn vị kinh doanh vận tải là phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm; cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, thuế, bảo đảm quyền lợi của hành khách trong quá trình tham gia thí điểm.
Đối với lái xe, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng; có ý thức, cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật. Phương tiện là ô tô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được cấp phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với loại hình ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng…
Như vậy, có thể thấy rằng tuy bắt buộc phải tuân thủ pháp luật, nhưng có vẻ như điều kiện áp dụng cho Grab hay Uber có vẻ “dễ thở” và đơn giản hơn. Xét về nhiều mặt, Grab hay Uber không thực sự là đơn vị trực tiếp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, họ chỉ tạo môi trường kết nối, cụ thể ở đây là ứng dụng kết nối giữa người có nhu cầu đi lại (hành khách) và người cung cấp dịch vụ (lái xe).
Đây có thể xem là một ví dụ cụ thể minh chứng sự phát triển đời sống luôn luôn đi trước các quy định của pháp luật. Việc phân chia giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ dẫn đến việc áp dụng các điều kiện kinh doanh khác nhau. Đây là một lỗ hổng pháp luật, và điều này đòi hỏi các nhà làm luật cần phải có những quy định pháp luật phù hợp nhằm lấp đầy những lỗ hổng ấy, để cho môi trường kinh doanh thực sự trở nên bình đẳng, lành mạnh hơn.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/bat-cap-trong-quy-dinh-dieu-kien-kinh-doanh-taxi-476949.html