Việc cha mẹ ly hôn là một sự kiện lớn đối với trẻ em và có thể để lại những ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái về mặt pháp lý cũng có một số quy định có đề cập. Sau đây là một số tác động mà trẻ có thể gặp phải?
Cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái như thế nào?
Cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái về mặt tâm lý
Trẻ con hầu hết đều rất nhạy cảm và việc cha mẹ ly hôn sẽ tác động rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ. Những ảnh hưởng này thường rất đa dạng và phức tạp, có thể bao gồm:
- Trẻ phải đối mặt với những thay đổi lớn khiến cảm xúc trở nên hỗn loạn, lúc thấy buồn, lúc thấy sợ hãi, lo lắng, giận dữ;
- Trong một số trường hợp, trẻ có thể mắc các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn. Nhẹ hơn thì trẻ cảm thấy mất mát khi gia đình tan vỡ, cô đơn khi không có đầy đủ cha mẹ bên cạnh, cảm thấy tội lỗi, áy náy;
- Hành vi khó kiểm soát, trở nên bướng bỉnh, chống đối hoặc thụ động, tự kỷ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ bạn bè và tình cảm.
- Khó tập trung, mất hứng thú với việc học, dẫn đến kết quả học tập giảm sút, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng do cảm thấy chán ăn, không có tâm trạng.
Trẻ ở các độ tuổi khác nhau, với tính cách khác nhau có thể ảnh hưởng đến phản ứng của trẻ sau khi cha mẹ ly hôn, ví dụ những bé có tính cách độc lập, mạnh mẽ thì sẽ dễ thích nghi hơn. Mối quan hệ trước đó của cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái cũng rất lớn, ví dụ nếu trước đó mối quan hệ hôn nhân hòa thuận thì phản ứng của trẻ thường sẽ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù là đã thực hiện thủ tục ly hôn nhưng hãy luôn đặt lợi ích của con chung lên hàng đầu. Bố mẹ cần cố gắng hợp tác với nhau để tạo ra một môi trường tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái về mặt pháp lý
Về nguyên tắc chung, au khi ly hôn, theo khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ vẫn phải có trách nhiệm trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo quy định pháp luật.
Liên quan đến vấn đề khi ly hôn con ở với ai, pháp luật đã cho phép vợ chồng được quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Trường hợp không thỏa thuận được thì người trực tiếp nuôi con sẽ được Tòa quyết định dựa trên những căn cứ sau đây (theo khoản 3, 4 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP):
Giao con cho một bên trực tiếp nuôi
Giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, bao gồm:
- Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
- Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
- Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
- Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
- Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
- Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
- Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
Trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên
Con từ đủ 07 tuổi trở lên thì xét theo nguyện vọng của con, dựa trên những điều kiện sau:
- Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;
- Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;
- Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.
Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Nếu mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, thì Tòa án sẽ giao cho cha trực tiếp nuôi con. Việc người mẹ không đủ điều kiện nuôi con được xác định dựa trên một trong những trường hợp sau:
- Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Lưu ý, trong trường hợp này nếu điều kiện nuôi dưỡng của người cha không tốt hơn mẹ thì Tòa vẫn quyết định giao cho mẹ trực tiếp nuôi con.
Người nào không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về “Cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái như thế nào?” xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư