Trong thời gian qua, có nhiều người đăng tải thông tin sai sự thật, thậm chí vu khống và xuyên tạc người khác lên mạng xã hội. Đã có những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự đã có những quy định chế tài đối với những hành vi này.
Điều 121 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 – 3 năm: phạm tội nhiều lần; phạm tội đối với nhiều người; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội đối với người thi hành công vụ; phạm tội đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm”.
Điều 122 về tội vu khống quy định: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 – 7 năm: phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội đối với nhiều người; phạm tội đối với ông bà, cha mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; phạm tội đối với người thi hành công vụ; vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu – 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm”.
Thế nhưng, hiện nay, hầu như các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, vu khống và xuyên tạc người khác lên mạng xã hội lại rất khó để xử lý hình sự, chưa kể một số hành vi tuy gây ra hậu quả xấu nhưng lại chưa đủ để cấu thành tội phạm hình sự.
Chính vì thế, dù đã có những chế tài rất khắt khe về hành vi này, nhưng lại rất khó để áp dụng trong thực tế. Chính phủ đã ban hành Nghị định 174/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện), đưa ra các chế tài hành chính để xử lý hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” trên mạng xã hội (tại Điều 65 nghị định này).
Thế nhưng, điều khoản này lại bị hạn chế vì đối tượng điều chỉnh bị bó hẹp trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, chứ không điều chỉnh cá nhân sử dụng mạng xã hội. Do đó, việc áp dụng chế tài hành chính cho hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, vu khống và xuyên tạc người khác lên mạng xã hội không thể thực hiện.
Chế tài hình sự thì quá nặng, chế tài hành chính thì thiếu sót trong đối tượng điều chỉnh – đó là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra vấn nạn này trên mạng xã hội. Nhằm khắc phục, cơ quan chức năng đang dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 174, trong đó có các điều khoản nhắm đến việc quy định chi tiết về trách nhiệm của cá nhân sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/che-tai-hanh-vi-bia-dat-xuyen-tac-tren-mang-xa-hoi-458046.html