Theo Điều 12 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi bổ sung năm 2014, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng, thì việc “đưa vũ khí, chất cháy, chất nổ, các vật phẩm nguy hiểm khác lên tàu bay, vào cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế khác trái quy định” là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Quyết định 1531/QĐ-CHK ngày 11-7-2017 do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ký (quy định về danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay) lại không liệt kê các loại động vật sống như rắn, chuột… vào danh mục nguy hiểm.
Tại Phụ lục II Danh mục vật phẩm là hàng nguy hiểm hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay ban hành kèm theo Quyết định 1531/QĐ-CHK, quy định: “Khi làm thủ tục chấp nhận vận chuyển, người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, loại trừ hàng nguy hiểm không trong danh mục này hoặc hàng bị cấm hoặc hạn chế theo danh mục này”.
Như vậy, trong trường hợp này, hãng hàng không có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, loại trừ hàng nguy hiểm nhưng không được quy định trong danh mục. Đến thời điểm hiện tại, đa phần các hãng hàng không đều đưa ra các điều lệ vận chuyển động vật sống, trong những trường hợp cụ thể, hãng hàng không có thể căn cứ vào điều lệ vận chuyển để đồng ý hoặc từ chối việc vận chuyển động vật sống trên chuyến bay.
Trên thực tế, vì biết có thể bị hãng hàng không từ chối vận chuyển, vẫn có hành khách cố tình qua mặt hãng hàng không và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để đưa động vật sống lên máy bay. Vì pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc vận chuyển động vật sống, dẫn đến chưa thể áp dụng quy định xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP năm 2018 đối với những hành khách lén mang động vật sống lên máy bay.
Trong trường hợp hành khách mang động vật sống lên máy bay nhưng hãng hàng không và lực lượng kiểm soát an ninh không phát hiện được, mà hành vi mang động vật sống này gây nên sự cố, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của các hành khách khác và hãng hàng không, thì những bên bị thiệt hại có thể yêu cầu hành khách có hành vi mang động vật sống bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Thực tế cho thấy, rất cần ban hành kịp thời các quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý việc đưa động vật sống lên máy bay, đề phòng các rủi ro có thể xảy ra.
Tác giả: Luật sư HÀ THỊ KIM LIÊN, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Nguồn:
https://www.sggp.org.vn/co-duoc-mang-dong-vat-song-len-may-bay-667031.html