Đương sự theo luật tố tụng dân sự là gì?
Đương sự trong vụ việc dân sự, hay còn có cách nói là người tham gia tố tụng dân sự là những cá nhân, tổ chức trực tiếp tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Họ có quyền và nghĩa vụ cụ thể được pháp luật quy định trong quá trình tố tụng và phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi của mình.
Để cụ thể hóa cho câu hỏi đương sự theo luật tố tụng dân sự là gì, Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể khái niệm đương sự trong vụ việc dân sự. Theo đó, tại khoản 1, đương sự trong mỗi loại vụ việc được quy định khác nhau:
1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, đương sự sẽ bao gồm hai loại: đương sự trong vụ án dân sự và đương sự trong việc dân sự.
Đương sự trong vụ án dân sự theo luật tố tụng dân sự là gì?
Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, có thể hiểu đương sự trong vụ án dân sự là các nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Cụ thể:
- Nguyên đơn (theo khoản 2 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
- Bị đơn (theo khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự (theo khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự theo luật tố tụng dân sự là gì?
Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương sự trong việc dân sự là các người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi thực hiện trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Cụ thể:
- Người yêu cầu giải quyết việc dân sự (theo khoản 5 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự (theo khoản 6 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.
Người tham gia tố tụng khác theo luật tố tụng dân sự là gì?
Đây là những chủ thể tuy không phải đương sự nhưng tham gia vào quá trình tố tụng dân sự theo yêu cầu của đương sự hoặc tòa án nhằm tìm ra và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định pháp luật. Trong đó, những người tham gia tố tụng khác bao gồm những chủ thể như sau:
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Người làm chứng (theo Điều 77 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị.
- Người giám định (theo Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định
- Người phiên dịch (theo khoản 1 Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.
- Người đại diện (theo khoản 1 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015): bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trên đây là giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam về câu hỏi “Đương sự theo luật tố tụng dân sự là gì?”xin được gửi đến Quý Khách hàng. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin sau để được giải đáp:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư