Nhượng quyền là một hình thức hợp tác kinh doanh, trong đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng thương hiệu, logo, quy trình kinh doanh, bí quyết sản xuất,… của mình để kinh doanh. Để bên nhận quyền có thể sử dụng thương hiệu của bên nhượng quyền, các bên thường sẽ ký kết một hợp đồng nhượng quyền thương mại. Vì vậy, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì và các vấn đề khác có liên quan.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?
Theo Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động mà bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với điều kiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền và bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Đồng thời, theo Điều 285 Luật Thương mại 2005, hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Như vậy, dựa vào các căn cứ trên, có thể hiểu hợp đồng nhượng quyền thương mại là văn bản ghi nhận quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền-bên nhượng quyền và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động nhượng quyền.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại theo khoản 8 và khoản 10 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP còn có hai loại khác như sau:
- Hợp đồng phát triển quyền thương mại là hợp đồng nhượng quyền thương mại theo đó bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền quyền được phép thành lập nhiều hơn một cơ sở của mình để kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại trong phạm vi một khu vực địa lý nhất định.
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp là hợp đồng nhượng quyền thương mại ký giữa Bên nhượng quyền thứ cấp và Bên nhận quyền thứ cấp theo quyền thương mại chung.
Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?
Theo Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, hợp đồng nhượng quyền thương mại bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Nội dung của quyền thương mại.
2. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
3. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
5. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
6. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Theo đó, hợp đồng có thể được lập bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng nước ngoài trong trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?
Điều 14 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền thương mại như sau:
1. Hợp đồng nhượng quyền thương mại có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
2. Nếu trong hợp đồng nhượng quyền thương mại có phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thì phần đó có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, hợp đồng nhượng quyền có hiệu lực từ thời điểm giao kết nếu các bên không có thỏa thuận khác, trong trường hợp hợp đồn có nội dung về việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ thì phần đó sẽ có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Về thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại, thời hạn hợp đồng do các bên thoả thuận hoặc có thể chấm dứt trước thời hạn thoả thuận do đơn phương chấm dứt theo Điều 16 Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Khi đàm phán để ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, bạn cần lưu ý tìm hiểu kỹ về thương hiệu, thị trường, đối thủ cạnh tranh, hiểu rõ các điều khoản, đặc biệt là các điều khoản ràng buộc và cần được tư vấn pháp lý đầy đủ trước khi ký kết hợp đồng.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về vấn đề “Nhượng quyền thương mại: Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?” xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư