Hành vi buôn lậu là gì?
Buôn lậu là hành vi vi phạm pháp luật, liên quan đến việc vận chuyển, trao đổi hoặc buôn bán hàng hóa mà không tuân thủ các quy định pháp lý, đặc biệt là các quy định về thuế, hải quan hoặc các sản phẩm bị cấm. Các hành vi buôn lậu có thể rất đa dạng và xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hành vi này thường xảy ra khi hàng hóa không được khai báo hoặc không đóng thuế, bị vận chuyển qua các cửa khẩu hoặc biên giới một cách bất hợp pháp. Các mặt hàng buôn lậu có thể bao gồm thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm hay các sản phẩm công nghệ, ngoại tệ,…
Người buôn lậu có thể lợi dụng những khu vực biên giới không có lực lượng chức năng để vận chuyển hàng hóa trái phép.
Theo Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về hành vi buôn lậu như sau:
Buôn lậu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.
Xem thêm: Buôn lậu vàng bị xử lý như thế nào?
Mức xử lý pháp luật đối với hành vi buôn lậu
Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, đã quy định cụ thể về mức phạt đối với từng loại hành vi vi phạm, cụ thể như sau:
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy có thể thấy người nào có hành vi vi phạm nhẹ thì phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 3 trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm còn nặng thì bị phạt tù lên đến 20 năm. Đối với pháp nhân thương mại thì có thể bị phạt tiền lên đến 3 trăm triệu đồng và có thể bị cấm kinh doanh…
Cách phòng chống buôn lậu
Phòng chống buôn lậu là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ quan chức năng và cả người dân, nhằm bảo vệ nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia và sức khỏe người dân nếu mua và sử dụng phải hàng giải hàng kém chất lượng. Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, cần có một chiến lược toàn diện với sự tham gia của nhiều bên, từ chính phủ đến doanh nghiệp và người dân. Dưới đây là một số cách thức và biện pháp hiệu quả trong phòng chống buôn lậu:
– Tăng cường huấn luyện và trang bị thiết bị hiện đại cho lực lượng hải quan, biên phòng và các cơ quan chức năng khác để phát hiện kịp thời hàng hóa buôn lậu, đặc biệt là sử dụng công nghệ như máy soi chiếu, hệ thống nhận diện hình ảnh, và phân tích dữ liệu.
– Thiết lập hệ thống kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là đối với hàng hóa có nguy cơ cao như thuốc lá, ma túy, vũ khí, động vật hoang dã…
– Các cơ quan chức năng cần tiến hành các biện pháp truy tố, xử lý hành vi buôn lậu một cách mạnh mẽ, bất kể đối tượng là ai, từ người dân đến các tổ chức có liên quan. Việc xử lý nghiêm minh sẽ là răn đe và cảnh báo đối với những kẻ có ý định buôn lậu.
– Cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các tổ chức và cá nhân vi phạm, bao gồm việc tịch thu tài sản, thu hồi lợi nhuận từ hành vi buôn lậu và áp dụng các hình thức phạt nặng đối với các hành vi này.
– Cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân về các hậu quả của việc buôn lậu đối với nền kinh tế, xã hội và sức khỏe người dân nếu sử dụng phải hàng giả hàng kém chất lượng, giúp mọi người hiểu được mức độ nguy hiểm và tội phạm tiềm ẩn của hoạt động này.
– Tạo ra các kênh thông tin an toàn và bảo mật để người dân có thể báo cáo các hành vi buôn lậu mà không sợ bị trả thù. Các cơ quan chức năng cũng cần khuyến khích cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống buôn lậu.
– Tạo ra một hệ thống quản lý thuế và hải quan minh bạch và hiệu quả hơn, để giảm thiểu tình trạng trốn thuế, gian lận, và buôn lậu thông qua việc khai báo sai lệch giá trị hàng hóa.
– Các quốc gia cần tham gia vào các hiệp định quốc tế liên quan đến kiểm soát buôn bán ma túy, vũ khí, động vật hoang dã và các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, nhằm giảm thiểu tình trạng buôn lậu xuyên biên giới.
– Các cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp để kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, góp phần làm giảm nguồn cung sản phẩm buôn lậu.
– Các cơ quan điều tra tài chính, ngân hàng và cơ quan phòng chống tội phạm cần hợp tác chặt chẽ để phát hiện, điều tra và truy tố các tổ chức rửa tiền từ các hoạt động buôn lậu.
– Cung cấp các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuân thủ quy định về xuất nhập khẩu, đặc biệt là các chính sách về thuế, thủ tục hải quan, giúp họ giảm thiểu chi phí và rủi ro khi tham gia vào thị trường hợp pháp. Đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm chính hãng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ trước các mặt hàng buôn lậu và kém chất lượng…
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư