Theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Vậy giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì có giống vậy không? Hay được quy định như thế nào. Xin mời quý khách cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> Phân biệt hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
>> Hướng dẫn thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo pháp luật
>> Nội dung trong thông báo giải thể doanh nghiệp theo luật
Điều kiện giải thể doanh nghiệp
Giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo Điều 39 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 đã quy định cụ thể về điều kiện giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị xem xét giải thể trong các trường hợp sau:
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác;
- Doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính, được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt sau khi kết thúc thời hạn áp dụng phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại mà không phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh và không thực hiện được các hình thức chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại khác theo quy định của pháp luật;
- Không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 02 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết;
- Việc tiếp tục duy trì doanh nghiệp là không cần thiết;
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quy định gia hạn.
Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp thuộc trường hợp đủ điều kiện xem xét giải thể được quy định ở trên cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Việc giải thể doanh nghiệp phải phù hợp với văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp việc giải thể chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (trừ trường hợp doanh nghiệp giải thể khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quy định gia hạn).
Trường hợp không còn đáp ứng các điều kiện giải thể nêu trên hoặc đã lâm vào tình trạng phá sản thì cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sắp xếp theo hình thức khác hoặc thực hiện phá sản.
Giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thẩm quyền đề nghị giải thể và quyết định giải thể doanh nghiệp
Thẩm quyền đề nghị giải thể doanh nghiệp: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Cơ quan đại diện chủ sở hữu; Cơ quan thanh tra, kiểm toán, thuế hoặc các cơ quan chức năng khác của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, phát hiện doanh nghiệp rơi vào tình trạng phải giải thể.
Thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp: Đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Thủ tướng Chính phủ quyết định giải thể trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và bộ quản lý ngành. Đối với doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập hoặc được giao quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định giải thể doanh nghiệp.
Quy trình giải thể doanh nghiệp
Quy trình giải thể doanh nghiệp được thực thiện theo quy định tại Nghị định số 23/2022/NĐ-CP như sau:
– Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày xác định doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp xem xét giải thể quy định tại Điều 39 Nghị định này, người có thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp ra quyết định giải thể và thành lập Hội đồng giải thể để thực hiện các bước giải thể doanh nghiệp. Người có thẩm quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp theo các nội dung quy định tại Điều 42 Nghị định này.
– Sau khi có quyết định giải thể:
- Hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 43 Nghị định này;
- Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 45 Nghị định này;
- Cơ quan thuế trực tiếp quản lý việc thu thuế có trách nhiệm ban hành văn bản xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
– Hội đồng giải thể tự động chấm dứt hoạt động khi doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật và cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể.
Quyết định giải thể doanh nghiệp
Quyết định giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bị giải thể;
- Lý do giải thể;
- Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
- Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
- Họ tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty doanh nghiệp bị giải thể.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải thể doanh nghiệp, quyết định này phải được gửi đến doanh nghiệp bị giải thể và:
- Người lao động trong doanh nghiệp;
- Cơ quan, tổ chức đề nghị giải thể doanh nghiệp;
- Các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan trong trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính còn chưa thanh toán;
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư đối với doanh nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể;
- Cơ quan thuế trực tiếp quản lý việc thu thuế doanh nghiệp;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Thống kê, phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bị giải thể đặt trụ sở chính và phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAMb
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư