Thế nào là thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ? Để trả lời câu hỏi này, xin mời quý khách cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> Hướng dẫn thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo pháp luật
>> Đặc điểm Doanh nghiệp nhà nước theo luật mới nhất
>> Quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp theo luật
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (Luật DN) bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thế nào là thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định tại Chương IV về doanh nghiệp Nhà nước và các quy định khác có liên quan của Luật DN; trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật DN thì áp dụng quy định tại Chương IV của Luật DN.
Cơ cấu tổ chức quản lý
Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:
- Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát;
- Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.
Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hội đồng thành viên bao gồm Chủ tịch và các thành viên khác, số lượng không quá 07 người. Thành viên Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên không quá 05 năm. Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại. Một cá nhân được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên không quá 02 nhiệm kỳ tại một công ty, trừ trường hợp đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp là gì?
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 5 Nghị định Nghị định số 23/2022/NĐ-CP.
- Có Hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 6 Nghị định Nghị định số 23/2022/NĐ-CP.
- Việc thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.
Mức vốn điều lệ
Doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện khi doanh nghiệp thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng thì vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.
Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn mức 100 tỷ đồng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP, nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.
Thế nào là thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Các thông tin công bố định kỳ của Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được hướng dẫn bởi Điều 23 Nghị định 47/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Thông tin cơ bản về doanh nghiệp và Điều lệ công ty;
- Mục tiêu tổng quát, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch kinh doanh hằng năm đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt theo nội dung quy định tại Biểu số 2 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện;
- Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm theo nội dung quy định tại Biểu số 3 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;
- Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích được giao theo kế hoạch hoặc đấu thầu (nếu có) và trách nhiệm xã hội khác theo nội dung quy định tại Biểu số 4 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;
- Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 06 tháng của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 5 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 7 hằng năm;
- Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức hằng năm của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 6 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;
- Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 7 hàng năm;
- Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp; thời hạn công bố trong vòng 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Công bố thông tin bất thường
Doanh nghiệp phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty; Cổng thông tin doanh nghiệp và gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Tài khoản của công ty bị phong tỏa hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa;
- Tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty;
- Sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty;
- Thay đổi thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán, Trưởng Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;
- Có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của Tòa án đối với người quản lý doanh nghiệp;
- Có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc của cơ quan quản lý thuế về việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp;
- Có quyết định thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập hoặc bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính;
- Có quyết định thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư