Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi kết hôn năm 2018 và có 1 đứa con, nay đời sống vợ chồng tôi mâu thuẫn thường xuyên, thiết nghĩ không thể kéo dài cuộc hôn nhân này nên chúng tôi muốn ly hôn. Tôi muốn thủ tục ly hôn giải quyết thật nhanh để sớm ổn định đời sống. Tuy nhiên tôi có nghe nói là trước khi ly hôn phải hòa giải. Mong luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề này.
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Youtuber Thơ Nguyễn bị mời đến cơ quan chức năng về video “kumathong”
>> Tiền ảo Pi – Rủi ro tiềm ẩn trong “giấc mộng” triệu đô!
>> Ông Võ Hoàng Yên có chứng chỉ chuyên môn không?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ thắc mắc của mình về Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin phép được hỗ trợ giải đáp dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Ly hôn là điều tất yếu sẽ xảy ra nếu vợ chồng không thể hòa thuận trong đời sống hôn nhân trong một thời gian dài. Nếu ly hôn đã là quyết định khó khăn thì các thủ tục hay vướng mắc trong ly hôn lại càng phức tạp hơn. Một trong số đó là thủ tục hòa giải cho vợ chồng trong quá trình giải quyết ly hôn.
Thủ tục hòa giải là gì?
Thủ tục hòa giải khi ly hôn là gì?
Hiện nay, pháp luật về tố tụng vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về thủ tục hòa giải là như thế nào. Tuy nhiên qua quá trình áp dụng thì có thể hiểu đây là giai đoạn cơ bản trong việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa các bên tranh chấp. Giai đoạn này sẽ được thực hiện bằng cách tạo điều kiện cho các bên có thể thương lượng với nhau có cùng với sự tham gia của bên thứ ba.
Thủ tục này là một trong những bước cơ bản của quá trình giải quyết trong tố tụng dân sự. Riêng với thủ tục ly hôn thì hòa giải là bước nhằm giúp 02 bên có cơ hội hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng hoặc phần nào hóa giải được các tranh chấp về tài sản hay quyền nuôi con sau ly hôn. Bên cạnh đó, thủ tục hòa giả đồng thời cũng giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của các bên so với hình thức giải quyết vụ án ly hôn tại Tòa án.
Thủ tục hòa giải khi ly hôn bao gồm 2 hình thức chủ yếu sau:
+ Thủ tục hòa giải ở cơ sở (hòa giải diễn ra trước khi nộp đơn yêu cầu ly hôn);
+ Thủ tục hòa giải tại Tòa án (hòa giải trong khi chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý).
Việc hòa giải này được thực hiện theo nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
“2. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;
b) Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”
Thủ tục hòa giải khi ly hôn có bắt buộc không?
Để xác định thủ tục hòa giải có bắt buộc khi giải quyết ly hôn thì cần phải phân định rõ trong các trường hợp cụ thể. Cụ thể như sau:
Hòa giải bắt buộc tại Tòa án khi ly hôn
Hòa giải bắt buộc tại Tòa án
Đối với thủ tục hòa giải tại cơ sở, Điều 52 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định:
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Như vậy, việc việc hòa giải ở cấp cơ sở không phải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Điều 54 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc thực hiện thủ tục hòa giải tại Tòa án, theo đó:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Có thể thấy nếu hòa giải cơ sở chỉ mang tính khuyến khích thì việc hòa tại tại Tòa án là thủ tục bắt buộc khi giải quyết vụ án ly hôn. Thủ tục hòa giải tại tòa án này được thực hiện trong giai đoạn chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý.
Trường hợp nào ly hôn mà không tiến hành hòa giải?
Tuy pháp luật về hôn nhân gia đình bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại Tòa án trước khi ly hôn nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp giải quyết ly hôn mà không cần hòa giải. Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì các trường hợp đó bao gồm:
“Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.”
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về thủ tục hòa giải khi ly hôn theo quy định của pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư