Trên thực tế, không ít mối quan hệ hôn nhân bắt nguồn từ sự cưỡng ép, kết hôn không tự nguyện, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả khó lường về sau. Vậy hôn nhân ép buộc là gì? Có được xem là vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về điều này.
Khái niệm của hôn nhân ép buộc là gì?
Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.
Như vậy, theo điều khoản trên, hôn nhân ép buộc được hiểu là việc kết hôn không tự nguyện, trái với mong muốn của đương sự. Theo đó, người bị kết hôn bị đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc kết hôn.
Ví dụ: Gia đình cô A vì đang mắc nợ với gia đình anh B nên gia đình anh B đã đe dọa, ép buộc cô A phải kết hôn với anh B để trừ nợ. Đây được xem là hôn nhân ép buộc.


Hôn nhân ép buộc có phải hành vi trái pháp luật?
Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật luôn được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, trong đó, sự tự nguyện của nam và nữ khi kết hôn là một trong những điều kiện kết hôn quan trọng theo điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Đồng thời, điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định hôn nhân ép buộc (hay cưỡng ép kết hôn) là một trong những hành vi bị cấm.
Do đó, nếu một người đang trong một mối quan hệ hôn nhân ép buộc thì cuộc hôn nhân này được xem là đang vi phạm quy định pháp luật.
Khi một người bị cưỡng ép kết hôn, người đó có thể tự mình yêu cầu hoặc đề nghị một trong những cá nhân, tổ chức bao gồm: Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn này do đây là hành vi kết hôn trái pháp luật, vi phạm điều kiện về kết hôn tự nguyện.


Hôn nhân ép buộc sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 59 quy định hành vi vi phạm về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã ngày 15/07/2020 quy định như sau:
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người cưỡng ép người khác kết hôn còn có thể xem xét xử lý hình sự về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện theo Điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, điều khoản này quy định như sau:
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Như vậy, căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và Điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người có hành vi ép buộc người khác kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư