Trong những ngày Tết, nếu hát karaoke quá trễ hoặc tạo ra âm thanh quá lớn, vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt hành chính vì vi phạm luật Bảo vệ môi trường 2014.
Xem thêm:
>> Kinh doanh quán Karaoke có phải trả tiền bản quyền bài hát?
>> Thủ tục xin cấp phép kinh doanh karaoke
>> Xử phạt hành vi hát karaoke gây ồn
Tết Nguyên Đán là dịp để người người, nhà nhà nghỉ ngơi, vui chơi. Một trong những hoạt động vui chơi thường gặp nhất chính là hát karaoke. Thế nhưng, không ít người vì quá hăng say, kéo dài cuộc vui văn nghệ quá lâu mà khiến cho hàng xóm xung quanh cảm thấy khó chịu.
Thưa luật sư, karaoke làm phiền đến những người xung quanh có vi phạm pháp luật không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Đối với nhiều gia đình, những giờ nghỉ trưa, buổi tối, lễ, Tết là thời gian mọi người tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Tuy nhiên, thời gian thư giãn này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những cuộc vui karaoke bất đắc dĩ, “loa kẹo kéo” âm lượng lớn, diễn ra trong thời gian dài từ hàng xóm, khu vực lân cận.
Hành vi karaoke như thế là một trong những hành vi bị cấm theo khoản 8 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014 vì “gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường”.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 68 Luật này cũng quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó phải đáp ứng điều kiện về việc “hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh”.
Đồng thời, khoản 2 Điều này quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc kho tàng phải có khoảng cách đảm bảo không có tác động xấu đối với khu dân cư nếu có hành vi “phát tán tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người”.
L.s Phan Vũ Tuấn: Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép tại khu dân cư nói trên cũng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Theo đó, mức phạt tiền tại quy định này sẽ phụ thuộc vào mức dBA mà hành vi gây tiếng ồn vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT Quy định quy chuẩn Quốc gia về môi trường.
Theo đó, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực đặc biệt từ 6 giờ đến 21 giờ là 55 dBA và từ 21 giờ đến 6 giờ là 45 dBA. Mức giới hạn tối ta tại khu vực thông thường trong hai khung giờ tương đương là 70 dBA và 55 dBA. Người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Thêm vào đó, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật hoặc buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi hành vi nêu trên có thể yêu cầu chủ thể làm ô nhiễm tiếng ồn mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi theo quy định tại Điều 602 Bộ luật dân sự 2015.
Ở góc độ cá nhân, luật sư nghĩ gì về vấn đề này? Luật sư có lời khuyên gì dành cho bạn đọc trong việc karaoke ngày Tết?
Thực trạng việc ca hát, gây tiếng ồn vào giờ nghỉ ngơi tại các khu dân cư ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh không phải là hiện tượng mới xảy ra gần đây.
Tuy nhiên, việc xử lý hầu như chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở. Nguyên do một phần vì tâm lý ngại va chạm tình làng nghĩa xóm, một phần cũng vì các hình thức xử phạt còn chưa đủ tính răn đe, khó áp dụng, dẫn tới việc hành vi vi phạm diễn ra và tái phạm thường xuyên.
Do đó, thiết nghĩ mức phạt cho hành vi sử dụng “loa kẹo kéo” hát karaoke, gây ồn ào, mất trật tự khu vực cần tăng cao hơn, cũng như các cơ quan, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân và thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm minh, không chỉ để bảo vệ quyền lợi của người dân xung quanh bị ảnh hưởng, mà còn hướng tới xã hội văn hóa, văn minh, “vui” nhưng cũng tôn trọng người khác.
Tôi cũng là người “làm hết sức, chơi hết mình” và tôi cũng có sở thích hát karaoke cùng đồng nghiệp, bạn bè, người thân nên tôi hoàn toàn hiểu cảm giác vui vẻ mà karaoke đem lại cho mọi người.
Thế nhưng, mọi thứ nên có giới hạn của nó, “vui thôi đừng vui quá”, chúng ta chỉ nên hát vừa phải âm lượng, hát vào các thời điểm mà mọi người đang sinh hoạt; đừng làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của những người xung quanh để rồi làm mất tình làng nghĩa xóm, thậm chí khiến chúng ta vi phạm pháp luật.
Tác giả: Thư Quỳnh – Nguyễn Quang
Theo báo Dân Trí
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư
Nguồn:
https://dantri.com.vn/ban-doc/hat-karaoke-ngay-tet-cho-sung-qua-keo-mat-tien-oan-20210210131950580.htm