Gần đây, trong việc bán hàng online có không ít trường hợp người mua hàng đã thanh toán nhưng người bán không giao hàng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi nhận tiền rồi không giao hàng sẽ bị xử lý như thế nào?
Khi thực hiện hành vi mua bán hàng hóa trên môi trường internet thì giữa bên mua và bên bán đã xác lập một hợp đồng mua bán. Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Như vậy, hình thức trả tiền trước và nhận hàng sau là do các bên thỏa thuận trong quá trình xác lập giao dịch. Việc bên bán không giao hàng cho bên mua là vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận.
Căn cứ khoản 1 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015, người bán hàng phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người mua. Trường hợp người mua đã thanh toán tiền, người bán có nghĩa vụ hoàn trả tiền và phải bồi thường thiệt hại khi người mua chứng minh được việc không giao hàng gây thiệt hại cho người mua. Khi bên bán không giao hàng theo thỏa thuận, người mua hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết. Hành vi nhận tiền nhưng không giao hàng nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1-2 triệu đồng (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP) khi người bán có những hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người mua.
Người bán hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi có thủ đoạn gian dối như không có sản phẩm nhưng vẫn quảng cáo để người mua đặt mua hàng, người mua đã chuyển khoản nhưng không nhận được hàng từ người bán. Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Hơn nữa, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, đối với hoạt động bán hàng trên môi trường internet và người bán có hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, như đưa thông tin sai lệch về sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người khác để họ tin tưởng và mua hàng nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt tù lên tới 20 năm.
Tác giả: Luật sư VÕ TRUNG TÍN – Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam
Theo báo Sài Gòn Giaỉ Phóng
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 –Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khi-nguoi-mua-da-thanh-toan-ma-nguoi-ban-khong-giao-hang-650275.html