Làm đơn ly hôn đơn phương khi nào?
Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc làm đơn ly hôn đơn phương, hay nói cách khác là ly hôn theo yêu cầu của một bên diễn ra khi:
- Vợ hoặc chồng làm đơn ly hôn đơn phương nếu có căn cứ cho rằng người còn lại có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trọng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; hoặc
- Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích làm đơn yêu cầu ly hôn; hoặc
- Cha, mẹ, hoặc người thân thích của vợ hoặc chồng làm đơn ly hôn đơn phương cho con hoặc người thân của mình nếu có căn cứ cho rằng người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ.
Như vậy, theo điều khoản trên, vợ hoặc chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của vợ hoặc chồng đều có quyền làm đơn ly hôn đơn phương khi đáp ứng các căn cứ theo quy định pháp luật.
Cách làm đơn ly hôn đơn phương
Người làm đơn ly hôn đơn phương cần phải soạn thảo theo Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, từng nội dung trong đơn sẽ được viết như sau:
– Mục (1): Ghi thông tin về thời gian, địa điểm làm đơn;
– Mục (2): Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà nhân dân quận 7, Tp.Hồ Chí Minh);
– Mục (3), (4): Ghi thông tin người yêu cầu ly hôn. Đối với trường hợp người yêu cầu ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi thông tin của người đại diện hợp pháp của người đó;
– Mục (5), (6): Ghi tương tự như hướng dẫn tại Mục (3), (4) trên cho người bị yêu cầu ly hôn;
– Mục (7), (8): Ghi tương tự như hướng dẫn tại Mục (3), (4) trên cho người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có);
– Mục (9), (10): Ghi tương tự như hướng dẫn tại Mục (3), (4) trên cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có);
– Mục (11): Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết, trong đó bao gồm:
+ Tình trạng hôn nhân (thời gian kết hôn, thời gian sống chung, thời gian ly thân, mâu thuẫn của vợ chồng, nguyên nhân dẫn đến ly hôn);
+ Tình trạng con chung (mấy người con, thông tin của con, mong muốn người nuôi con, cấp dưỡng như thế nào, nếu không có con chung thì ghi không có);
+ Tình trạng tài sản chung (liệt kê toàn bộ tài sản chung, mong muốn đề nghị Tòa án chia tài sản chung như thế nào, có muốn tặng cho tài sản riêng hay không, nếu không có tài sản chung thì ghi không có);
+ Tình trạng nợ chung (liệt kê rõ các khoản nợ chung của hai vợ chồng, phân chia nợ chung như thế nào, nếu không có nợ chung thì ghi không có).
– Mục (12), (13): Ghi tương tự như hướng dẫn tại Mục (3), (4) trên cho người làm chứng (nếu có);
– Mục (14): Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …);
– Mục (15): Ghi những thông tin mà người yêu cầu ly hôn xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: con và người bị yêu cầu ly hôn hiện đang ở nước ngoài);
– Mục (16): Người yêu cầu ly hôn ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của người đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người yêu cầu ly hôn, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn ly hôn đơn phương.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư