Bạo lực gia đình là một vấn nạn xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc và quyền lợi của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vậy hậu quả của bạo lực gia đình thực tế là gì? Đối với hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào? Mức phạt ra sao? Xin mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là một hiện tượng xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người tàn tật. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 10 năm từ 2009 đến 2018, cả nước có hơn 25.000 vụ bạo lực gia đình được xác minh. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi nhiều trường hợp bạo lực gia đình không được báo cáo hoặc xử lý kịp thời.
Nguyên nhân của bạo lực gia đình có thể là do nhiều yếu tố khác nhau, như: mâu thuẫn về kinh tế, tình cảm, quan điểm; ảnh hưởng của rượu bia, ma túy; thiếu hiểu biết về pháp luật, quyền con người; áp đặt quyền uy, sự thống trị; thiếu kỹ năng giao tiếp, giải quyết xung đột; v.v. Tuy nhiên, không có lý do gì chính đáng để biện minh cho hành vi bạo lực gia đình.
Hậu quả của bạo lực gia đình là rất nghiêm trọng và lâu dài, không chỉ đối với nạn nhân mà còn đối với cộng đồng và xã hội. Bạo lực gia đình gây ra những tổn thương về thể xác và tinh thần cho nạn nhân, làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống và khả năng lao động của họ. Bạo lực gia đình cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em, khiến họ có nguy cơ mắc các rối loạn về hành vi, cảm xúc và tâm lý. Bạo lực gia đình cũng gây ra những mất mát về kinh tế và nhân lực cho xã hội, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và chi phí chăm sóc sức khỏe.
Mức xử lý đối với hành vi bạo lực gia đình
Trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan khác đã quy định các biện pháp phòng ngừa, giải quyết và xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình.
Mức phạt tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi bạo lực gia đình mà người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Mức xử phạt hành chính
Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu;
+ Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu có.
Đồng thời, Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Ngoài ra, tại Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý người thân trong gia đình, như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
- Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;
- Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;
- Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể:
– Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
- Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư