Nhiều người dân đã khốn đốn khi vay tiền của các tổ chức tín dụng đen. Có hình thức vay tiêu dùng nào an toàn, phù hợp hơn?
Việc cho vay không thông qua ngân hàng hay các tổ chức phi ngân hàng thường được gọi là vay P2P (Person to Person). Hiểu nôm na thì doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ này sẽ là đơn vị kết nối người có nhu cầu vay tiền và người có nhu cầu cho vay tiền.
DN sẽ thu phí quản lý cùng các loại phí khác nhằm duy trì hoạt động. Nếu như được vận hành một cách đúng đắn, đây thực sự là một kênh hoạt động hiệu quả hỗ trợ thị trường tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý dành cho hoạt động này, các DN kinh doanh dịch vụ này hoạt động chưa theo lề lối, quy củ và cũng không có một khuôn mẫu nhất định, chưa có cơ quan thẩm định và cấp phép. Lợi dụng điều này, đơn vị tín dụng đen, cho vay nặng lãi tiến hành xây dựng ứng dụng điện thoại mô phỏng các nền tảng cho vay P2P. Thay vì thể hiện đúng bản chất, thì các ứng dụng này chỉ là công cụ, người vay không biết được mình vay từ ai, lãi suất như thế nào, do thông tin của ứng dụng này không minh bạch.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, các đơn vị tín dụng đen thường tư vấn qua loa, nói những lời ngon ngọt nhằm dụ dỗ người vay. Sau khi vay tiền xong, người vay mới nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn. Đến lúc này, họ chỉ còn cách làm việc để trả những khoản nợ lớn hơn rất nhiều so với số tiền đã vay. Một số trường hợp chưa trả đủ hay trả không đúng hạn theo lịch còn bị đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự bằng những biện pháp trái pháp luật. Nạn nhân, sau khi đã kiệt quệ về tinh thần do bị khủng bố, chỉ còn cách cầu cứu cơ quan công an để được giải quyết.
Đó là biến tướng của hình thức cho vay P2P, và là lỗ hổng pháp luật đang bị các cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi khai thác triệt để. Để bảo vệ cho bản thân, khi có nhu cầu vay tiền, người vay cần tìm hiểu rõ tổ chức sẽ cho mình vay, các thông tin liên quan đến lãi suất, phí, lệ phí, thời hạn thanh toán.
Thực tế, đối với khoản vay không quá lớn, chủ yếu phục vụ cho mục đích tiêu dùng của cá nhân hay gia đình, người vay nên thực hiện thông qua hình thức vay tiêu dùng tại các công ty tài chính. Đây là loại hình cho vay đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ, quy định cụ thể các điều kiện cũng như hình thức hoạt động. Công ty tài chính hoạt động theo quy chế nội bộ, sẽ có vấn đề nhắc nợ khách hàng, nhưng việc nhắc nợ này được thực hiện theo quy định như sau: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng” (Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước).
Ngày 1-1-2020 tới đây, khi Thông tư 18/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 có hiệu lực thi hành, thì việc nhắc nợ của công ty tài chính còn được quy định rõ ràng hơn, cụ thể là: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/một ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật”.
Hy vọng với khung quy định pháp luật cụ thể và ngày càng được hoàn thiện, người vay sẽ có thể lựa chọn cho mình hình thức vay an toàn, phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Tác giả: Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/lua-chon-hinh-thuc-vay-tieu-dung-an-toan-phu-hop-631617.html