“Độ xe” có thể đơn giản là thay tem hay màu xe, và cũng có khi thay cả linh kiện và động cơ. Thú chơi xe độ là sở thích, niềm vui và tự hào của nhiều chủ xe máy. Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều phiền toái, đặc biệt là trên bình diện pháp lý.
Nếu dán tem trong, hoặc dán tem logo, tem xương cá, tem vành…, chủ phương tiện sẽ không bị phạt. Nhưng nếu dán decal hoặc sơn airbrush làm thay đổi hoàn toàn màu của xe và không đúng với màu xe ghi trong giấy đăng ký xe (cà vẹt), làm ảnh hưởng tới việc nhận dạng xe, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý xe, thì căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), có thể phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng đối với cá nhân, và 200.000 – 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe.
Ngoài việc bị phạt tiền, chủ xe vi phạm buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe theo quy định tại Điểm a, Khoản 15, Điều 30 Nghị định 46.Việc đổi màu xe về cơ bản không làm ảnh hưởng đến tổng thể, kết cấu cũng như độ an toàn của xe trong lưu thông, nên pháp luật không cấm việc thay đổi màu xe, tuy nhiên chủ sở hữu phương tiện phải thực hiện các thủ tục đăng ký lại màu xe khi sơn lại màu xe.
Các hình thức “độ xe” làm thay đổi thông số kỹ thuật của xe như đôn dên, xoáy nòng, độ nồi, móc pô hay nâng cấp IC, làm cho chiếc xe sau khi độ có hiệu suất vượt trội so với ban đầu, có thể gây ảnh hưởng đến độ an toàn của xe, vì dẫn đến việc phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của nhà sản xuất, gây nguy hiểm cho người điều khiển và người tham gia giao thông khác.
Các hành vi này vi phạm Khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 (về đảm bảo quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông): “Chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Theo Điểm c, Khoản 4, Điều 30 Nghị định 46, chủ sở hữu phương tiện tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe có thể bị phạt tiền 800.000 – 1 triệu đồng đối với cá nhân, và 1,6 triệu – 2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe. Do vậy, để không vi phạm pháp luật, tránh bị phạt cũng như tránh gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác, chủ phương tiện nên cân nhắc kỹ trước khi thực hiện bất cứ hình thức “độ xe” nào.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/nen-can-nhac-ky-truoc-khi-do-xe-515336.html